Kịch bản chèo Mưa đỏ được tác giả Đức Minh chuyển thể chèo từ kịch bản văn học của nhà văn Chu Lai, NSND Trịnh Thúy Mùi đạo diễn, NSƯT Đào Tuấn Hải phụ trách âm nhạc, NSƯT Đạt Tăng thiết kế sân khấu, NSND Minh Thu chuyển điệu chèo… Tiểu thuyết "Mưa đỏ" của nhà văn Chu Lai từng đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn năm 2016. Kịch bản chuyển thể cùng tên của ông đã đoạt giải A Giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2021. "Mưa đỏ" cũng đã gây tiếng vang khi dàn dựng trên sân khấu kịch. Đây là công trình nghệ thuật hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023).
"Mưa đỏ" lấy bối cảnh chính là cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Trong đó, ngoài tái hiện không khí hào hùng, bi tráng, anh dũng của các chiến sĩ giải phóng quân còn là mối tình rất đẹp của chàng lính trẻ gốc Hải Phòng với cô du kích gốc Huế. Vở diễn thu hút đông đảo khán giả Thủ đô và sự góp mặt của các cựu chiến binh sinh viên năm 1969- 1971, những người đã dành cả tuổi thanh xuân của mình trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Thành cổ.
Nhà văn Chu Lai là người bước ra từ cuộc chiến, hiểu tường tận và nhân văn về người lính, về thế hệ của mình nên ông đã miêu tả rất chân thực nhưng cũng đầy sinh động về cuộc chiến sinh tử tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ở đó, bên cạnh những khốc liệt bom đạn, chiến tranh.. còn là những giây phút rất nên thơ của tâm hồn những người lính trẻ đến từ miền Bắc. Mối tình của của Cường (Nhật Hóa thủ vai) và Hồng (Thùy Dương thú vai) như một mầm xanh của tình yêu giữa khô khốc của đại ngàn, giữa trận địa đầy những chết chóc. Thông qua vở diễn, tác giả, đạo diễn và ê-kíp nghệ sĩ muốn tái hiện một bản anh hùng ca bi tráng tôn vinh những phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.
Vở "Mưa đỏ" khiến khán giả không cầm được nước mắt
Chia sẻ với Dân Việt, NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết, cả hai đêm công diễn vở "Mưa đỏ" (30 và 31/7) tại Nhà hát Lớn Hà Nội đều kín chỗ. Nhiều đối tượng khán giả là các thương bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã không kìm được xúc động khi xem vở diễn. Ai cũng nhìn thấy thanh xuân, tuổi trẻ của mình trong hình tượng các chiến sĩ giải phóng quân. Có người đã khóc không kìm được khi nhớ về người bạn thân đã vĩnh viễn nằm lại dưới dòng sông Thạch Hãn – Quảng Trị trong 81 ngày đêm chiến đấu anh dũng để giữ bằng được Thành cổ.
"Tôi thực sự xúc động khi thấy nhiều khán giả lớn tuổi đỏ hoe mắt, khóc không nín được. Cả hai đêm diễn, khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội kín không còn một chỗ trống. Nhiều khán giả đi xem tới hai lần, lần nào cũng khóc, lần nào cũng ra về mà lòng đầy tiếc nuối, vì muốn xem thêm. Và cũng chính những tình cảm đó đã khiến cho các diễn viên diễn hăng say hơn, nhập tâm hơn và thăng hoa hơn.
Chúng tôi vẫn tiếp tục đưa vở diễn đi một số tỉnh thành phố để công diễn cho các cựu chiến binh và các gia đình chính sách xem. Đây cũng là động lực để chúng tôi bắt tay vào dựng thêm những vở mới về đề tài cách mạng, phản ánh chân thực và sinh động hơn cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, những tấm gương hy sinh đầy anh dũng của các anh hùng liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến", NSND Trịnh Thúy Mùi bày tỏ.
Chia sẻ với Dân Việt, nhà văn Chu Lai cho biết: "Nếu ở kịch nói thì "Mưa đỏ" là sấm chớp vang trời; chèo thì lắng sâu, yên ả nhưng vẫn giữ được hào khí của một thời trận mạc. Tôi thực sự rất hài lòng với phiên bản "Mưa đỏ" của sân khấu chèo.
Nếu xem vở diễn chúng ta sẽ thấy, chỉ miêu tả trận mạc thì trận mạc trong vở này cũng như các trận mạc khác. Nhưng ở "Mưa đỏ", nó có hình tượng hai người mẹ. Hai người mẹ xuất hiện trong nghĩa trang để cùng xóa bỏ thù hận, cái gì qua được thì cho qua. NSND Thúy Mùi đã xử lí đoạn kết này rất khéo léo, tinh tế và xúc động".
0 nhận xét:
Post a Comment