LTS: Chỉ 1 năm sau khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 diễn ra, nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động đã nhìn thấy rõ và có những tác động nhất định đến đời sống xã hội. Minh chứng rõ ràng nhất cho sự chuyển biến này chính là hàng loạt thay đổi trong cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển văn hóa đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho văn hóa vươn mình trỗi dậy, trong khi nhiều chuyên gia đánh giá, việc xây dựng và phát triển văn hóa là một việc vô cùng khó, phải được thực hiện với lộ trình cụ thể, có sự kiên trì, sáng tạo, linh hoạt.
Để giúp bạn đọc nhìn nhận rõ hơn về sự chuyển mình của văn hóa sau 1 năm diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, báo Dân Việt thực hiện loạt bài "Một năm nhìn lại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021". Xin mời quý độc giả đón xem.
Chuyển biến tích cực về chính sách, đường hướng phát triển công nghiệp văn hóa
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 6/2022, 449/467 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành việc thông qua Luật Điện ảnh sửa đổi.
Luật Điện ảnh sửa đổi với những chính sách mang tính đột phá về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; công tác quản lý, thẩm định và cấp giấy phép; hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh; cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; phát hành và phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim; phổ biến phim trên không gian mạng; những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh… được xem như một sự "cỏi trói", một "cú hích" thật mạnh để điện ảnh Việt Nam thoát khỏi những ràng buộc của khung pháp lý cũ đã bị lỗi thời, lạc hậu… bước vào phát triển công nghiệp điện ảnh đúng nghĩa.
Tiếp sau Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa sửa đổi cũng đang được lấy ý kiến đóng góp để bổ sung, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội. Theo đó, dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi sẽ đổi mới các quy định bảo đảm cho hoạt động kiểm kê, ghi danh, xếp hạng, công nhận; Hoàn thiện quy định về hoạt động bảo tàng; bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, có chính sách khuyến khích hồi hương di sản… cũng đã có những bước tiến dài.
Ngay ở thời điểm lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, chính sách "hồi hương hương di sản" đã được cụ thể hóa bằng việc thông qua con đường ngoại giao, Bộ VHTTDL kết hợp với Bộ Ngoại giao đã thương thảo thành công với sàn đấu giá Millon (Pháp) để hồi hương ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo" – một trong những bảo vật quý giá của hoàng đế triều Nguyễn. Và 29/11 mới đây, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm lại tiếp tục được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, đưa con số di sản phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh lên thành 15 di sản – một con số rất đáng để tự hào.
Các chuyên gia nhận định rằng, mặc dù, Luật Điện ảnh sửa đổi và Luật Di sản văn hóa sửa đổi nằm trong chương trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật hàng năm của Quốc hội. Tuy nhiên, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đã có những tác động rõ nét, thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống pháp luật này trở nên nhanh và hiệu quả hơn.
Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, hội thảo "Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam" quy mô toàn quốc được tổ chức (tháng 12/2021). Đây là hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ đề án xây dựng mạng lưới "Thành phố sáng tạo Việt Nam" tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Theo kế hoạch, đề án tập trung nghiên cứu tiềm năng, lợi thế về sáng tạo vì sự phát triển bền vững của một số thành phố ở Việt Nam như: TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Hội An, Đà Lạt và Vũng Tàu.
Ngay sau hội thảo, tháng 8/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản cho phép TP. Đà Lạt xây dựng hồ sơ, đề án tham gia mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc (dự kiến sẽ hoàn thành hồ sơ đăng ký vào tháng 4/2023 nhằm chào mừng kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển).
Trong khi đó, TP. Hội An xây dựng hồ sơ tham gia mạng lưới trên lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian theo khuyến nghị của các chuyên gia. Huế cũng đã bắt tay vào việc xây dựng và định hướng phát triển thành thành phố sáng tạo về ẩm thực. Đà Nẵng muốn tham gia trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thông…
Hà Nội – "Thành phố thiết kế sáng tạo" được UNESCO công nhận vào tháng 10/2019 cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án trong lĩnh vực sáng tạo thiết kế, phục vụ đời sống văn hóa của người dân. Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có hơn 100 địa điểm hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, thiết kế, thủ công. Đây là những điểm sáng, "mạng lưới sáng tạo con" của Thủ đô Hà Nội.
Trong năm 2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09 về công nghiệp văn hóa thủ đô đến năm 2025, tầm nhìn 2030, định hướng 2045. Hà Nội cũng liên tiếp tổ chức và phối hợp tổ chức hàng loạt các sự kiện mang tầm quốc tế, quốc gia như: Lễ hội Thiết kế sáng tạo, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, Liên hoan sân khấu Thủ đô, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội…
Trong đó, điểm nhấn trọng tâm là Lễ hội Thiết kế sáng tạo kéo dài trong 2 tuần vào tháng 11/2022 với hàng chục sự kiện quy mô, tạo ấn tượng bởi những không gian và chương trình ứng dụng công nghệ hiện đại. Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện này, Hà Nội còn khởi động cuộc thi "Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội" (thường niên) để khuyến khích giới trẻ khám phá các giá trị văn hóa lịch sử trong khu vực phố cổ Hà Nội và đề xuất ý tưởng thiết kế các không gian nghệ thuật công cộng.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận và phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương chia sẻ với Dân Việt rằng, suy cho cùng, nói đến văn hóa là nói đến con người, nói một cuộc đời, nói đến nhiều thế hệ trải dài hàng trăm, hàng nghìn năm... cho nên chặng đường 1 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 chưa có gì nhiều điều để nói. Tuy nhiên, trên bình diện chung thì nhận thức về vai trò quan trọng của văn hóa và phấn đấu để văn hóa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội đã có chuyển biến rõ rệt.
"Nội dung của Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 rất là sâu sắc, có tầm nhìn xa rộng nhưng để đi vào cuộc sống thì phải được thể chế hóa. Tức là bằng các chủ trương, chính sách, nguồn lực để văn hóa phát triển. Đây là điều ai cũng nhìn nhận ra nhưng để làm thì không hề dễ. Mong muốn của chúng ta là nâng cao được nhận thức của mọi tầng lớp trong xã hội, nhất là các cán bộ đảng viên, cấp ủy, chính quyền… những người được giao trực tiếp làm công tác văn hóa. Vai trò của văn hóa phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn. Vì chúng ta nói thế thôi chứ bình thường vẫn chú trọng nhiều hơn đến kinh tế, chính trị… và nhiều khi văn hóa chưa được đặt ngang tầm, đôi khi như là thứ yếu. Nếu thấy được vai trò của văn hóa thì mới văn hóa soi đường được cho quốc dân đi, mới trở thành sức mạnh nội sinh để chấn hưng đất nước", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Muốn văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, trước hết phải đầu tư xứng tầm
Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11/2021, Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trên cả nước tổ chức Hội nghị Văn hóa cấp tỉnh (tháng 5/2022). Hội nghị đã đề ra 10 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 10 nhóm giải pháp cần thực hiện trong giai đoạn mới. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh phải có các thiết chế văn hóa cấp tỉnh như: Bảo tàng tỉnh, Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh; 100% huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - Thể thao; Phấn đấu 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh có CLB Dân ca ví – giặm Nghệ Tĩnh; Bảo đảm 90% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, 100% các xã miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh truyền hình, phát thanh của quốc gia và địa phương; Đầu tư, hỗ trợ xây dựng, bảo tồn các làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; Trên 90% cán bộ quản lý văn hóa các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ…
Tính đến thời điểm hiện tại, 63 tỉnh/thành phố đều đã ban hành nhiều chiến lược về phát triển văn hóa tầm nhìn dài hạn, quyết tâm đưa văn hóa lên xứng tầm với kinh tế, chính trị, xã hội và biến văn hóa thành một sức mạnh mềm, thúc đẩy nhanh công nghiệp văn hóa. Ví dụ rõ nhất là vào tháng 9/2022, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định phê duyệt đề án "Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030" với tổng vốn đầu tư là 4.103 tỷ đồng.
Theo đó, đề án sẽ phân chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 2022 – 2025 và giai đoạn 2026 – 2030. Trước hết, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu tại các điểm du lịch đã được công nhận trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (dự kiến 235,4 tỷ đồng). Tiếp theo phát triển du lịch trên sông Đuống và sông Cầu (dự kiến 3.600 tỷ đồng); phát triển du lịch cộng đồng làng Quan Họ Viêm Xá, Khu Diềm, thành phố Bắc Ninh (dự kiến 165 tỷ đồng) và chương trình trọng điểm quảng bá văn hóa - du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022-2025 (dự kiến 41,7 tỷ đồng).
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, tính đến nay, trên toàn quốc mới chỉ có một số địa phương tổ chức Hội nghị Văn hóa ở cấp tỉnh, còn nhiều tỉnh vẫn chưa tổ chức. Điều này cho thấy, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng thì chúng ta cũng thấy một số địa phương, một số cơ quan ban ngành, một số cấp ủy chính quyền… vẫn có những lúng túng nhất định.
"Tôi cho rằng, hội thảo "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" mới được tổ chức cách đây chưa lâu có nội dung phong phú, nhiều ý kiến đóng góp xác đáng, cũng có ý kiến mạnh mẽ. Đây chính là hội thảo cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, dưới góc độ cá nhân thì tôi thấy việc đưa ra các giải pháp để văn hóa phát triển cũng chưa được đầy đặn".
Trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: "Việc ban hành Chiến lược văn hóa phát triển văn hóa đến năm 2030 của quốc gia và các tỉnh/thành phố mới chỉ là bước khởi đầu của việc xây dựng và phát triển văn hóa. Đây là cả một quá trình đòi hỏi việc triển khai phải hết sức kiên trì, thận trọng và cụ thể. Chúng ta cùng hy vọng rằng, cùng với việc nhận thức ngày càng tốt hơn về văn hóa từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và việc ban hành Chiến lược, đầu tư nguồn lực cho văn hóa sẽ được tăng cường, đạt được mức đầu tư tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm, với các thiết chế văn hóa xứng tầm thời đại Hồ Chí Minh, với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, hiểu biết sâu sắc và khai thác hiệu quả nguồn lực văn hóa của dân tộc.
Những chương trình, dự án, đề án trong Chiến lược được triển khai cụ thể, có lộ trình, từ đó tạo điều kiện cho văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh cho dân tộc. Tất cả chúng ta đều mong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 sẽ giúp đất nước hiện thực hóa khát vọng phát triển phồn vinh từ văn hóa".
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, chưa bao giờ, việc ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trở nên cần thiết như lúc này. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, kế hoạch phù hợp thì những cơ hội sẽ qua đi nhanh chóng, thách thức sẽ ngày càng nhiều hơn. Ngược lại, nếu tận dụng được cơ hội, vượt qua được thách thức, Chiến lược sẽ giúp ngành văn hóa sẽ giúp tạo ra nhiều động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trên thế giới, kể từ sau Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa, nhiều quốc gia đã tiến hành xây dựng luật, chương trình, đề án phát triển văn hóa, nhưng Việt Nam là số rất ít các quốc gia có được một chiến lược rõ ràng để phát triển văn hóa của mình. Việc đi đầu, vượt trước chứng tỏ tầm nhìn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò và ý nghĩa của văn hóa đối với việc phát triển bền vững đất nước, bảo vệ chủ quyền dân tộc bằng và từ văn hóa.
(Còn nữa)
0 nhận xét:
Post a Comment