LHP Châu Á Đà Nẵng lần 1 đã đang và diễn ra tại TP. Đà Nẵng. Theo Luật điện ảnh mới áp dụng từ tháng 1/2023, không chỉ nhà nước mà các đơn vị tư nhân đủ điều kiện cũng có thể tổ chức Liên hoan phim. Dân Việt đã có cuộc trao đổi nhanh với đạo diễn Phan Đăng Di, thành viên BGK Giải thưởng phim Châu Á về những khó khăn trong việc tổ chức LHP này.
Đạo diễn Phan Đăng Di có kỳ vọng gì về sự thành công của Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần 1?
- Tôi là người có điều kiện ra nước ngoài rất nhiều để theo dõi các liên hoan phim quốc tế, bao gồm cả Châu Âu và Châu Á. T.S Ngô Phương Lan – Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh từng có kinh nghiệm tổ chức LHP Quốc tế Hà Nội, cũng như LHP Việt Nam và bản thân tôi thấy rằng, tầm nhìn tổ chức của chị có sự tiếp cận với quốc tế rất cao, cũng như làm rất tốt công tác đào tạo tài năng trẻ.
Trong LHP Châu Á Đà Nẵng lần này với vai trò là Giám đốc LHP, chị cũng đặt ra mục tiêu phải có tính quốc tế hơn, cũng như là nơi tranh tài công bằng, chuyên nghiệp dành cho các tác phẩm điện ảnh trong và ngoài nước.
Tại sao anh cho rằng TP. Đà Nẵng là nơi thích hợp để tổ chức một LHP tầm cỡ?
- Đà Nẵng là thành phố tuyệt vời, có biển tuyệt đẹp cùng với đó là nhiều di sản văn hóa, có tiềm năng trở thành bối cảnh quay phim tuyệt vời. Người dân Đà Nẵng có luôn có sự cởi mở, chân thành…, bấy nhiêu thôi cũng đủ để tạo điều kiện cho LHP Châu Á Đà Nẵng có một sức sống lâu bền. Cá nhân tôi hy vọng cùng với cách thức tổ chức chuyên nghiệp, LHP Châu Á Đà Nẵng có thể giống như LHP Busan (Hàn Quốc) thứ 2 ở châu Á.
Thách thức lớn nhất khi để tổ chức ngày hội lớn này là gì?
- Trước đây, tôi từng nói rất nhiều là mình có ước muốn có một LHP diễn ra ở Đà Nẵng và bây giờ điều đó đã thành sự thực. Nhưng trước đấy, ban tổ chức chắc chắn đã gặp nhiều thách thức không nhỏ. Đầu tiên phải có một ai đó vừa có khả năng kết nối được những người làm nghệ thuật, cùng với đó là chính quyền địa phương. Tôi nghĩ ở Việt Nam ngoài chị Ngô Phương Lan, khó ai có thể có đủ những điều kiện như vậy.
Bên cạnh đó để một Liên hoan phim có sự thành công thì phải đảm bảo đầy đủ các hệ sinh thái, từ giải thưởng, chiếu phim, hội thảo nghề nghiệp... Ngoài ra, để một Liên hoan phim mới như thế này có sự trưởng thành và bền bỉ phải mang đậm dấu ấn quốc tế và chúng tôi đều ý thức rằng không có chuyện làm việc "trong nhà" với nhau.
Để các nhà làm phim trẻ gặt hái được thành công tại các Liên hoan phim, theo anh họ phải làm gì?
- Tư duy của các đạo diễn tham gia tranh giải luôn có sự khác biệt so với làm phim thương mại. Hai mô hình tư duy khác nhau và tôi nghĩ khó thể "giao nhau" được, người làm phim chỉ có thể chọn một trong hai mà thôi.
Tuy nhiên, dù là phim độc lập hay phim thương mại, người làm phim bao giờ cũng muốn đưa tác phẩm đến với công chúng, chỉ là con đường của phim độc lập sẽ khó hơn. Hành trình nào cũng sẽ gian khổ, chỉ có ước mơ, nhiệt huyết của riêng mình, chắc chắn các bạn sẽ vượt qua sóng gió.
Vậy so với thời của các anh mới làm phim, các bạn trẻ hiện giờ có ưu thế gì?
- So với thời của tôi thì các nhà làm phim trẻ bây giờ có lợi thế về ngoại ngữ, có cơ hội tốt hơn để đến với các Liên hoan phim quốc tế. Nếu các bạn có năng lực đủ tốt thì các bạn hoàn toàn có thể tự tìm tòi và quyết định đường đi của mình.
Ở Việt Nam, mảnh đất điện ảnh vẫn còn rất nhiều thứ để khai thác, có nhiều thứ kích thích các bạn trẻ, nhiều cơ hội mở ra. Sự kiện Gặp gỡ mùa thu mà tôi đã tổ chức hơn 10 năm nay, hay một số Liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam cũng tạo cho họ điều kiện tiếp cận hệ thống làm phim quốc tế tương đối đơn giản và thường xuyên.
Khó khăn lớn nhất của điện ảnh Việt thời điểm này theo anh là gì?
- Có rất nhiều khó khăn, nhưng một trong nhưng cái rõ nhất chính là chúng ta thiếu nguồn kịch bản hay và thường phải vay mượn yếu tố nước ngoài là nhiều.
Xin cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin!
0 nhận xét:
Post a Comment