Hài Tết tái bùng nổ sau 2 năm yên ắng vì Covid-19
Cứ mỗi dịp Xuân về, Tết đến… người người, nhà nhà lại háo hức mong được xem những bộ phim tràn ngập tiếng cười, xua đi những mệt mỏi và âu lo của một năm lao động vất vả. Vì lẽ đó mà hài Tết từng được xem là "đặc sản" trong những ngày Xuân. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, trước sự bùng nổ của mạng xã hội và nhiều phương tiện giải trí mới, hài Tết bị đẩy vào thế cạnh tranh khốc liệt. Nhiều nhà sản xuất đã không còn mặn mà với hài Tết. Các doanh nghiệp cũng không còn tha thiết được quảng cáo trong sản phẩm hài Tết.
Mặc dù vậy, Tết thì không thể thiếu tiếng cười. Năm nay, sau hai năm yên ắng và rón rén vì dịch Covid-19, hài Tết đã trở lại mạnh mẽ hơn. Dạo quanh thị trường, có thể thấy số lượng phim hài Tết năm nay lên tới hơn 8 phim. Mở đầu cho thị trường phim hài Tết 2023 là phim "Đại gia chân đất 13" và "Làng ế vợ 9" của nhà sản xuất, đạo diễn Trần Bình Trọng. Đây thực chất là hai phim hài đã được đạo diễn Trần Bình Trọng xây dựng thành từng chuỗi phim trong suốt nhiều năm qua. Trong đó, nhắc đến "Đại gia chân đất" là khán giả nhớ đến NSND Trung Hiếu với vai diễn được "đóng đinh" cho anh trong chuỗi phim này.
Chia sẻ về việc tiếp tục theo đuổi serie phim "Đại gia chân đất" mà không chuyển hướng sang làm cái gì khác mới mẻ hơn, đạo diễn Trần Bình Trọng chia sẻ, thực chất không chỉ có công chúng nhớ đến thương hiệu phim kể trên mà ngay cả dàn nghệ sĩ đảm vai chính Trung Hiếu, Quang Tèo, Chiến Thắng... cũng "ngấm" vai. Cách đây vài tháng, lẽ ra anh định tạm ngưng sản xuất loạt phim này nhưng trong lần đi diễn, một mạnh thường quân đã chủ động đề nghị được đồng hành khiến anh thêm động lực để làm tiếp.
"Lộc Xuân 2" cũng là phim chiếu dịp Tết được ra mắt khá sớm của nhà sản xuất Đinh Hường. Phim quy tụ một dàn diễn viên hùng hậu như: NSND Lan Hương, NSƯT Chí Trung, NSƯT Bá Anh, NS Trà My, NSƯT Tiến Mộc, Đàm Hằng, Hoàng Du Ka, Bảo Hân... Phim xoay quanh câu chuyện về hai gia đình hàng xóm sát vách.
Chỉ vì những mâu thuẫn vụt vặt mà khiến cho tình yêu của đôi bạn trẻ suýt đổ vỡ. Tuy nhiên, tình người, tình làng nghĩa xóm đã giúp họ hóa giải những hiểu lầm, kéo họ xích lại gần nhau như thủa ban đầu. Các gia đình đã đón một cái Tết vui vẻ, đón những "Lộc Xuân" vào trước thềm đầu năm mới.
Cách đây không lâu, diễn viên Hồng Nguyên cũng vừa ra mắt phim "Hồn Trương Bốn, cốt hàng thịt". Phim được lấy cảm hứng từ nhân vật nổi tiếng trong truyền thuyết dân gian. Phim đem lại cho khán giả một cái nhìn tổng quát về cuộc sống, phong tục của cha ông ta qua những tập phim được cài cắm khéo léo. Đồng thời cũng mượn chuyện xưa để nói chuyện ngày nay, khiến cho khán giả, nhất là giới trẻ thêm trân trọng văn hóa truyền thống và hiểu thêm phần nào về kho tàng kiến thức đồ sộ mà cha ông để lại.
Hài Tết không còn được các đài địa phương ưa chuộng?
Trước đây, các phim hài Tết được sản xuất thành dạng đĩa vật lý bán ra thị trường hoặc bán bản quyền cho các đài truyền hình địa phương để phát vào dịp Tết. Thời điểm bùng nổ công nghệ số, nhiều nhà sản xuất kết hợp phát trên YouTube để "kiếm thêm". Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, việc phát hành đĩa gần như đã không còn tồn tại vì bây giờ người dân không còn dùng đầu phát đĩa như trước. Các đài truyền hình địa phương cũng trở nên khó tính hơn khi chọn lọc phim để mua bản quyền rất khắt khe. Phương án tối ưu nhất là phát trực tuyến trên các kênh và hưởng lợi nhuận từ việc chia sẻ quyền lợi của đơn vị phát hành.
Chia sẻ với Dân Việt, nhà sản xuất Đinh Hường cho biết, công ty của chị vốn chuyên làm truyền thông nhưng 5 năm trở lại đây vẫn cố gắng sản xuất được một phim chiếu vào dịp Tết. "Lộc Xuân 2" là sản phẩm thứ 5. Những phim đầu còn được các nhà đài đặt mua bản quyền để phát dịp Tết từ khi lên ý tưởng, riêng "Lộc Xuân 2" thì chị chưa nhận được bất kỳ lời đề nghị nào. Điều này khiến công ty của chị phải chọn phương án phát trên YouTube. Dĩ nhiên, hình thức này sẽ khiến công ty khó có thể thu được hòa vốn đã bỏ ra để đầu tư sản xuất.
Bày tỏ với Dân Việt, đạo diễn Trần Bình Trọng cũng cho hay, sở dĩ công ty anh vẫn còn duy trì được việc sản xuất phim hài Tết là nhờ có sự đồng hành của các nhà tài trợ. Các nguồn thu từ việc bán bản quyền lẫn phát hành trực tuyến là rất thấp và không thể trông chờ vào các nền nguồn này.
"Ở mạng xã hội chúng tôi kết hợp với đội làm nội dung và sẽ phải chia sẻ lợi nhuận. Thời điểm chưa ảnh hưởng dịch bệnh những dịp Tết thì doanh thu trên Youtube khoảng 100 triệu/tháng. Những tháng khác thì chỉ được vài chục triệu, thậm chí có thời điểm chỉ là cố tận thu một chút thôi nên việc làm phim để kiếm tiền từ mạng xã hội là không không có hy vọng. Nguồn thu của tôi chủ yếu đến từ các đơn vị tài trợ", đạo diễn Trần Bình Trọng tiết lộ.
Đạo diễn Mai Long – người làm nên nhiều phim hài Tết có tiếng như: "Tết lo phết 1, 2, 3", "Tết vui phết – Mr. Lù", "Chạm tay vào hạnh phúc"… cũng cho rằng, việc bùng nổ của mạng xã hội và các phương tiện giải trí khiến người dân không còn mong ngóng hài Tết như trước.
Việc này khiến các nhà sản xuất phải rất đau đầu để tìm lối ra và tìm nguồn thu sau phát hành. Nguồn thu từ việc bán bản quyền cho đài địa phương giờ không còn khả thi mà chỉ trông chờ vào việc chia sẻ quyền lợi từ đơn vị phát hành trực tuyến. Ngoài ra, nhiều đơn vị cũng "có khó ló cái khôn", cắt thành nhiều dạng clip viral để đăng tải trên các trang Tik Tok, Facebook, YouTube… kèm với quảng cáo và giới thiệu sản phầm. Có như thế mới có thể kiếm thêm nguồn thu nhằm tái sản xuất sản phẩm mới.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Post a Comment