Mới đây, sự việc kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm mất 25 cuốn sách cổ gây xôn xao trong dư luận, đặc biệt là giới nghiên cứu. Theo đó, trên trang cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, phó Trưởng phòng Văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết: Trong cuộc họp hội đồng khoa học và các cán bộ chủ chốt hôm 15/7, bộ phận kiểm kê thông báo mất 29 cuốn sách. Ông đề nghị lãnh đạo Viện báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - đơn vị chủ quản, công an và tiếp tục tìm kiếm, rà soát. Sau 21 ngày kiểm tra, phía Viện tìm được bốn cuốn mỏng bị rơi vào khe giá sách, còn thiếu 25 cuốn.
Sau chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Diện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đưa ra thông báo cho biết đang tiếp tục rà soát, hiện đã tìm được 1 cuốn sách trong số 25 cuốn sách cổ nêu trên với lý do "bị ghi nhầm ký hiệu".
PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện về câu chuyện 25 cuốn sách thất lạc tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cũng như giá trị của chúng với nền văn hiến dân tộc.
Thưa ông, vụ việc nhiều cuốn sách cổ bị thất lạc tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang gây xôn xao và bất bình trong dư luận. Thông tin cho thấy sự việc đã diễn ra từ ngày 15/07, vậy tại sao mãi tới tháng 12, ông mới chia sẻ thông tin đầu tiên về sự việc này?
- TS. Nguyễn Xuân Diện: Sở dĩ chúng ta biết tới việc mất 29 cuốn sách này là bởi vào ngày 15/07/2022 diễn ra cuộc họp Hội nghị Cán bộ chủ chốt và Hội đồng khoa học của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tại đó, thông báo kết quả cuộc kiểm kê diễn ra vào đầu năm 2022, thực hiện sau khoảng thời gian 15 năm chưa có tổng kiểm kê.Trong buổi họp hôm đó, với tư cách là thành viên hội đồng khoa học, cũng thuộc thành phần cán bộ chủ chốt tại Viện, tôi có đề xuất một số vấn đề: 1 là đề nghị Viện cung cấp danh sách các cuốn sách bị mất; 2 là báo ngay lên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (đơn vị chủ quản); 3 là kiểm tra thời gian mất lúc nào, liên quan tới ai; 4 là nhanh chóng kiểm kê một kho nữa, bởi Viện Hán Nôm đang có 437 cuốn sách cổ đặc biệt quan trọng hiện gửi nơi khác. Tôi cũng cho rằng, nếu cần thiết phải báo công an vào cuộc sớm để điều tra.
Tôi cũng có đề xuất nên có một quãng thời gian trong vòng 21 ngày để mọi việc lắng lại, mà như tại cuộc họp, tôi dùng chữ "tĩnh lự". "Tĩnh lự" nghĩa là bình tâm, rà soát lại trong đầu, qua đó những người liên quan có thể nhớ ra việc họ để thất lạc, hay đem ra bên ngoài vi phạm nguyên tắc, để trả lại những cuốn sách đó vào kho.
Kết luận tại cuộc họp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm chỉ đạo quãng thời gian "tĩnh lự" đó sẽ kéo dài 1 tháng. Tuy vậy, sau một tháng, mọi việc vẫn chưa có chuyển biến và lãnh đạo Viện cũng không có cuộc họp hay thông tin gì để thông báo tới các cán bộ chủ chốt và các thành viên Hội đồng khoa học. Tiếp đó, Viện tìm thấy 4 cuốn, số thất lạc còn lại là 25 cuốn "bặt vô âm tín".
25 cuốn sách cổ này có giá trị như thế nào, thưa ông?
- TS. Nguyễn Xuân Diện: Về việc 25 cuốn này có quan trọng không, giá trị như thế nào? Ở đây, tôi xin nêu 3 điểm:
Thứ nhất, tất cả những sách cổ đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đều rất giá trị, giá trị của chúng là ngang nhau, đứng về phương diện học thuật và nghiên cứu.
Thứ 2, trong số sách thất lạc có 2 loại, có 13 cuốn thuộc kho A và kho V. Hai kho này bao gồm những cuốn sách được sưu tập bởi Viện Viễn Đông Bác cổ giai đoạn trước năm 1954, với quá trình sưu tập lâu dài. Do chưa trải qua các điều kiện về chiến tranh, cải cách ruộng đất, các gia đình nhà nho, gia đình khoa bảng còn giữ được nhiều sách cổ nên giai đoạn này sưu tập được nhiều sách cổ và quý hiếm.
Những bản sách thuộc kho A và kho V bao gồm nhiều nội dung thông tin có giá trị, từng được nhiều nhà nghiên cứu dùng để nghiên cứu, mô tả, lên thư mục, hoặc dịch thuật… Kết quả đã được đưa vào những bộ thư mục nổi tiếng như thư mục của Trần Văn Giáp, Trần Nghĩa… Chúng còn được đánh giá trong các bộ sách từ điển, điển hình là từ điển Văn học đều có mục từ riêng cho "Việt Âm thi tập", "Toàn Việt thi lục". Đồng thời nhiều người đã làm luận văn, luận án, những công trình nghiên cứu liên quan tới chúng.
Phần thứ hai bao gồm 16 cuốn thuộc kho ST (kho chứa các cuốn sách do Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm). Chúng được các cán bộ có chuyên môn tại Viện tới những địa phương khác nhau để lựa chọn, thu mua về. Trong quá trình thu thập đã có sự chọn lọc, khi về tới Viện lại có một hội đồng nghiệm thu để thẩm định, quyết định việc có đưa vào lưu trữ hay không. Sau đó, những cuốn sách này đều được xử lý về phần vật lý, ví dụ như phủi bụi, làm sạch, đóng lại nghiêm chỉnh, lên ký hiệu, thư mục, mỗi cuốn sách đều có phiếu bao gồm 8 yếu tố, nói lên lai lịch cuốn sách.
Những cuốn sách này đều được sưu tập bằng ngân sách nhà nước, không những vậy còn được bảo quản bởi điều kiện đặc biệt, có thể coi là tốt nhất tại Việt Nam hiện nay. Bởi vậy, chúng đều có số phận và lai lịch của nó, và chúng đều có vị trí và đời sống riêng trong kho sách.
Tóm lại, các cuốn sách hiện còn thất lạc đều là những văn bản giá trị, không thể thay thế, và là hiện thân của văn hiến dân tộc.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn đôi chút về những bộ sách này?
- TS. Nguyễn Xuân Diện: Trong số 24 cuốn đang bị thất lạc (01 cuốn vừa được Viện Nghiên cứu Hán Nôm tìm thấy - PV), có 4 cuốn "Toàn Việt thi lục", thuộc 3 bộ khác nhau. "Toàn Việt thi lục" là bộ sách vô cùng quý báu trong nền văn hiến dân tộc. Bộ sách do nhà bác học Lê Quý Đôn sưu tập, biên soạn, sắp xếp, chỉnh lý một cách khoa học. Ông làm việc này theo lệnh của nhà vua Lê Hiển Tông, sau khi làm xong đã đưa lên cho vua ngự lãm. Cuốn sách biên tập công phu, bao gồm các tác phẩm Hán Nôm từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI. Về số lượng, bộ sách bao gồm khoảng 2303 bài thơ của khoảng 175 tác giả thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Hiện nay, được biết có 11 bộ sách khác nhau của "Toàn Việt thi lục", không có bộ nào giá trị hơn bộ nào, mỗi bộ đều có giá trị riêng và không thể thay thế.
May mắn là Viện Hán Nôm lưu giữ được 10 bộ, và một bộ nữa hiện đang lưu giữ tại Hiệp hội Á – Châu tại Paris (Pháp). Trong đó, cuốn "Toàn Việt thi lục" mang ký hiệu A.3200/2 bị thất lạc là thuộc bộ sách có đầy đủ và tương đối toàn vẹn nhất.
Thứ hai là tập "Việt Âm thi tập" (tập thơ ghi lại thanh âm nước Việt) – là bộ hợp tuyển thơ đầu tiên của dân tộc ta, do nhà sử học Phan Phu Tiên soạn lần đầu vào cuối thời Trần, đầu thời Lê Sơ, sau đó được Thị ngự sử Chu Sa tiếp tục bổ sung, các đời sau tiếp tục chỉnh lý. "Việt âm thi tập" được in vào năm Bảo Thái thứ 10 (1729). Hiện tại, chỉ còn giữ được một bản in của lần in đó, mang ký hiệu A.1925, được khắc mộc bản, đó cũng là độc bản, chính là bản bị thất lạc.
Ngoài ra, trong số 24 cuốn bị thất lạc còn 2 cuốn địa dư, địa chí ghi chép về lãnh thổ, cương vực, nhân khẩu, địa giới của đất nước. Đó là cuốn "Hoàng Việt địa dư chí" và cuốn "Nam quốc địa dư". Cuốn "Nam quốc địa dư" đã tìm lại được, còn "Hoàng Việt địa dư chí" vẫn đang thất lạc. Hai cuốn sách này đều liên quan tới chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đặc biệt "Hoàng Việt địa dư chí" có thông tin liên quan trực tiếp đến chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa, Hoàng Sa.
Trong số sách mất còn cuốn "Thoái thực ký văn" của Trương Tướng Quốc (Trương Quốc Dụng) - một cuốn sách rất phong phú về mặt nội dung; "Danh thần thi tập" (cuốn sách chép thơ của những bậc bề tôi nổi tiếng trong lịch sử), một số sách liên quan tới tín ngưỡng và tôn giáo.
Trước sự việc, công chúng đang đặt ra câu hỏi về việc những cuốn sách này liệu có được coi như những cổ vật, khiến chúng có giá trị cao, và từ đó kéo theo "lòng tham" của một số nhà sưu tập?
- TS. Nguyễn Xuân Diện: Nếu tính theo Luật Di sản, những đồ vật trên 100 năm tuổi đều được xác nhận là cổ vật. Căn cứ vào đó, tất cả những cuốn sách thất lạc này đều là cổ vật.
Kho sách cổ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có tư cách như một bảo tàng, bởi trong đó có chứa những cổ vật không thể thay thế. Những cuốn sách này viết bằng "tử ngữ" (ngôn ngữ hiện tại không còn sử dụng), nên cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, dịch thuật… để hiểu những thông điệp của tổ tiên ngày xưa để lại.
Hiện tại, sách vẫn được sử dụng cho công tác khai thác và nghiên cứu, cũng là nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Do bản gốc là cổ vật, chúng được trân trọng tới mức những cán bộ viện hoặc người có nhu cầu đều chỉ được đọc bản copy, không đọc bản gốc. Với trường hợp những nhà nghiên cứu có yêu cầu xem màu mực, khuyên điểm, chất giấy, kích thước thật, họ cần làm đơn và Viện trưởng phê duyệt, ký tên, sau đó phòng bảo quản lấy ra và cho đọc tại chỗ.
Trong các loại cổ vật được sưu tập thưởng lãm thì sách cổ cũng là một món cổ vật được nhiều người ưa chuộng và trân quý. Có người giữ vì họ trân quý những thứ cổ xưa, có người giữ vì trọng nội dung. Giá cả ở trên thị trường thì hiện tại chưa có cách nào xác định được, nhưng đối với nền văn hiến dân tộc, những cuốn sách đó là vô giá.
Theo thông báo Viện Nghiên cứu Hán Nôm vừa đưa ra, có một cuốn sách thất lạc được tìm thấy ngay trong kho, do đánh dấu nhầm nhãn. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc kiểm kê tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ông có cho rằng cần có một cuộc kiểm kê khác diễn ra?
- TS. Nguyễn Xuân Diện: Việc vừa rồi tìm ra một cuốn sách và trước đó phát hiện 4 cuốn khác cho thấy công tác kiểm kê tại Viện đúng là có vấn đề. Cách phát hiện những cuốn sách thất lạc, mà như người có liên quan nói do chúng lọt ở khe giá sách, hoặc kẹp giữa những cuốn khác, hoặc dán nhầm nhãn ký hiệu cho thấy việc sắp đặt, kiểm kê thực sự có chút đáng phải nghi ngờ.
Thứ hai, lý do nhập sai ký hiệu chính tỏ một điều: Khi kiểm kê, người chịu trách nhiệm đã không mở cuốn sách ra, bởi nếu mở cuốn sách ra sẽ biết nội dung và biết nhãn dán nhầm.
Từ sự việc vừa diễn ra, ông có kiến nghị gì trong việc bảo quản những cuốn sách cổ, hay còn gọi là cổ vật như vậy?
- TS. Nguyễn Xuân Diện: Tôi đã từng có nhiều kiến nghị đối với lãnh đạo Viện, và xin phép không chia sẻ với báo chí.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
0 nhận xét:
Post a Comment