Chúng ta sống quanh những người hàng xóm láng giềng. Nhưng ta có biết gì về họ. Anh thanh niên Rémy xưng "tôi" trong cuốn truyện này kể cho ta nghe về những người hàng xóm của anh tại thị trấn Hannut nước Bỉ. Họ là bà Dorothé thích nuôi ngựa và con trai bà – chàng Arnaud; là ông thợ sơn Simon và đám con cháu ông; là ông Jakob yêu vẽ và yêu vợ; là vợ chồng nhà Ruben tử tế. Và những người khác nữa. Hàng xóm của Rémy còn là lũ ngựa của bà Dorothé, con chó Rex và hai con mèo nhà Ruben, con ác là mê nghe đàn trên cây sồi nhà ông Simon. Sống cùng những người hàng xóm ấy, Rémy nhận thấy: "Hoá ra có rất nhiều cuộc đời và số phận lạ lùng vây quanh tôi." (tr. 106).
NHỮNG NGƯỜI HÀNG XÓM
Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh
Nhà xuất bản Trẻ, 2022
Số trang: 231 (khổ 13x20cm)
Số lượng: 60.000
Giá bán: 110.000đ
Như ông Jakob, chín mươi bảy tuổi, thích vẽ, nhưng chỉ vẽ đi vẽ lại một bức tranh về người vợ ông đã mất từ gần sáu mươi năm trước ở tuổi chưa đến bốn mươi. Ông vẽ tình yêu của cuộc đời ông. Trong mắt ông nàng mãi là thiếu nữ. Cho đến trước khi giã từ thế gian ông vẫn nghĩ mình đã không phải với vợ khi mang tấm thân già này về gặp nàng trẻ trung ở thế giới bên kia. Ngoài truyện ông còn viết nhiều thơ tình dành cho người vợ đã khuất. Thơ ông trò chuyện với vợ:
Bấy giờ, với đôi chân đã mỏi
Anh đi tìm em
Bấy giờ, với tấm lưng đã còng
Anh đi tìm em
Bấy giờ, ôm tuổi già trong tay
Như ôm một bó hoa đã héo
Anh đi tìm em.
Bài thơ này của ông Jakov có trong truyện và được in lên cả tờ đánh dấu trang sách (bookmark) và lên bìa bốn.
Như vợ chồng nhà Ruben, mua trả góp nhà của ông Jakov trong mười bảy năm, nhưng khi tiền đã trả xong vẫn chưa được vào ở vì chủ nhà còn sống. Vậy mà khi ông Jakov bệnh nặng cần nhóm máu hiếm để truyền thì chính Ruben đã hiến nhóm máu đó có trong mình cho ông, chứ không phải nhân đó mà trục lợi cho mình.
Như bà Dorothé biết rõ ý đồ anh chàng Arnaud thuê căn nhà bỏ không của mẹ nói là để có chỗ yên tĩnh viết văn nhưng thực ra để giúp thêm tài chính cho mẹ mình, nhưng bà cứ giả vờ như không biết. Còn vợ chồng Arnaud cũng nghĩ mẹ không biết nên cứ giả vờ là viết văn thực. Rémy ở giữa được cả ba mẹ con cho biết chuyện càng thấy họ đáng yêu.
Như ông Simon và con chim ác là. Con chim thường bay đến đậu trên cành sồi cạnh cửa sổ phòng ông mỗi khi ông chơi đàn phong cầm để lắng nghe. Ông mất rồi con chim vẫn đứng đó. "Nó đứng bất động, đầu gục xuống như đang trầm tư. Cũng có thể là nó đang ngủ. Nhưng cho dù nó đang ngủ hay đang nghĩ ngợi thì hình ảnh con chim ác là dán lên nền trời chiều để ngóng tiếng đàn sẽ không bao giờ vang lên nữa vẫn khiến tôi thấy mủi lòng rất nhiều." (tr. 13). Vì vậy, vì thương ông Simon, thương con chim ác là "bên đời hiu quạnh", Rémy khi xin được cây đàn phong cầm cũ đã tập chơi đàn để mong gọi con ác là bay về. Và nó đã trở về khi tiếng đàn phong cầm của Rémy vang lên. Nhìn thấy nó đậu trên cây sung bên ngoài cửa sổ phòng mình, Rémy cảm thấy: "Lòng tôi bất giác nảy mầm một cảm giác gì đó giống như là cảm động. Tôi bâng khuâng nhìn con chim, chợt thấy đời đẹp lạ lùng." (tr. 229).
Vì chính Rémy cũng là người hàng xóm tốt đối với những người hàng xóm tốt của mình. Các nhân vật trong truyện này, mà nói chung trong các truyện của Nguyễn Nhật Ánh, đều là những người tốt lành, tử tế, yêu thương nhau, yêu thương con người. Rémy có vợ là người Việt Nam, nên ở đây không chỉ là những người sống bên cạnh nhà mình, mà hai gia đình khác chủng tộc, hai đất nước cách xa nhau về địa lý vẫn có thể là "hàng xóm" của nhau.
Bố vợ của Rémy là một nhà văn nên cuốn truyện này còn có thể được đọc như một cuốn sách kể về nghề văn (và thấp thoáng trong đó là hình bóng tác giả). Nguyễn Nhật Ánh đã khéo léo lồng "ba trong một" (chuyện tình Bỉ - Việt Nam, chuyện những người hàng xóm, chuyện viết văn) trong hơn hai trăm trang sách nhờ cấu trúc truyện theo cách học viết văn của Rémy. Anh con rể ở châu Âu hỏi bố vợ ở châu Á: "Con phải bắt đầu một cuốn sách bằng cách nào hả ba?" Nhà văn bố vợ bảo con rể trước tiên là phải nhìn ra ngoài cửa sổ phòng mình. Rémy nhìn ra thì thấy những người hàng xóm, thế là có truyện để viết.
Sau đó bố vợ lại bảo con rể nhìn từ ngoài cửa sổ vào nhà. Rémy nhìn vào thì thấy vợ mình, thế là có truyện để viết. Đó là cách mở đầu, còn kết thúc một cuốn sách thì sao? Anh con rể lại hỏi và ông bố vợ lại cho "mật ngữ": bắt đầu chỗ nào thì kết thúc chỗ đó, hãy kết thúc cuốn sách ở chỗ nó bắt đầu. Rémy hiểu bắt đầu ở bên cửa sổ thì kết thúc cũng ở bên cửa sổ. Mở đầu truyện Rémy ngồi bên cửa sổ nhìn thấy bà Dorothé tóc bạch kim đang kiên trì đẩy chiếc máy cắt cỏ trong buổi chiều tà. Kết thúc truyện vẫn bên cửa sổ anh lại thấy bà hiện ra trong tầm mắt, nhưng đó đã là một bà Dorothé khác vì bây giờ anh hiểu về bà nhiều hơn. Nhưng bài học viết văn ông bố vợ nhà văn Việt Nam dạy anh con rể Bỉ không chỉ là nhìn ra và nhìn vào, không chỉ là mở đầu và kết thúc. Nhờ quá trình học hỏi, trao đổi, truyền nghề qua không gian viễn liên mà Rémy đã hiểu ra điều quan trọng nhất của việc viết văn: "Viết sách, thì ra là cách để mình nghiền ngẫm về con người, về thế giới. "Nhìn ra cửa sổ" chỉ là một cách nói. Nói chúng "nhìn ra" hay "nhìn vào" gì cũng thế. Bố vợ tôi thậm chí còn đi xa hơn: "Rồi con sẽ học cách nhìn vào thế giới nội tâm của mình nếu con muốn theo nghề này." (tr. 230).
Rémy hiểu được thế khi chưa chắc lắm mình có muốn viết văn nữa hay không, hay chỉ khi hứng lên thì viết lăng nhăng, linh tinh cho vui những khi rảnh rỗi. Nhưng cứ xem cách anh ta kết thúc cuốn truyện của mình thì thấy ông bố vợ đã truyền được máu văn chương sang người con rể. Trong buổi chiều tà Rémy nhìn ra cửa sổ thấy con chim ác là đã trở về. "Bây giờ nó đang đậu trên cành sung như một dấu chấm lẻ loi – nhưng không còn cô độc. Dấu chấm đó, nhẹ nhõm thay, cũng vừa rơi xuống trang văn của tôi. Đó chính là dấu chấm hết cho cuốn truyện này." (tr. 231). Cái kết đó đồng vọng với mấy lời đầu sách của Nguyễn Nhật Ánh cho biết cuốn truyện mới này anh viết sau hai tháng "rong chơi" nước ngoài "với bối cảnh và nhân vật hoàn toàn mới mẻ". Thực vậy, lần đầu tiên các nhân vật trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh là người nước ngoài, sống ở nước ngoài. Nhưng cái giỏi của nhà văn là cho người đọc như gặp lại những người quen, vì người nào, người ở đâu trong văn Nguyễn Nhật Ánh đều là người thiện lương. Đọc truyện vì thế ta xúc động trước tình cảm con người của họ với nhau.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có lẽ là người viết sách sướng nhất nước Nam. Anh có một đội ngũ độc giả thiếu nhi đông đảo bền bỉ khắp nước suốt hơn ba chục năm qua. Mỗi lần anh ra sách mới là một sự kiện của văn hoá đọc: số lượng bản in tính con số vạn trở lên, sách in cả bìa mềm bìa cứng, độc giả xếp hàng dài chờ mua sách và xin chữ ký. Trước là Nxb Kim Đồng, nay là Nxb Trẻ chăm lo chu đáo, tận tình cho tác giả. Cuộc ký sách của anh ngày chủ nhật 25/12/2022 tại Hà Nội nhiều độc giả cả nhỏ tuổi và lớn tuổi, đông nhất là người trẻ, đã xếp hàng chờ từ sáng sớm và anh đã phải ký từ 8h đến 15h. "Hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh" đến nay là độc nhất trong ngành văn chương và xuất bản nước ta.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 27/12/2022
0 nhận xét:
Post a Comment