Vở kịch "Bến không chồng" là công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Hàn Quốc.
Vở diễn "Bến không chồng" sẽ do hai đạo diễn Việt Nam và Hàn Quốc: NSƯT Lâm Tùng và đạo diễn Kim Min Jeong đồng phối hợp dàn dựng. "Bến không chồng" hứa hẹn sẽ là một tác phẩm đặc biệt và ấn tượng, mang đậm phong cách và truyền thống của cả hai nước.
Vở kịch lấy bối cảnh ở làng Đông – một làng quê điển hình tại đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, với lũy tre xanh, cây đa, bến nước, sân đình. Nhân vật trong vở kịch là những con người mắc kẹt giữa những hủ tục, lời dị nghị của dòng họ và xóm giềng. Nhưng, họ đã vượt qua tất cả những bất hạnh đó với tình thương yêu và cả những hi sinh cùng khát vọng vươn lên trong mỗi con người… Đây là lý do khiến kịch bản này chạm đến trái tim của nữ đạo diễn Hàn Quốc Kim Min Jeong. Bà không có cảm giác xa lạ khi đọc tác phẩm này bởi Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng về lịch sử văn hóa.
Nữ đạo diễn cho rằng: "Chúng ta đều đã trải qua đau thương do chiến tranh và đều có ý chí hướng tới tương lai. Tôi cảm thấy vinh dự khi được tham gia dàn dựng tác phẩm ý nghĩa như thế này để chào mừng 30 năm thiết lập quan hệ hữu nghị hai nước," đạo diễn cho biết. Đạo diễn rất tâm đắc với câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn, là góc nhìn bao dung về thân phận người phụ nữ, đặc biệt là người phụ nữ thời hậu chiến, họ khát khao hạnh phúc và xứng đáng được hưởng hạnh phúc.
Chia sẻ với Dân Việt, đạo diễn Kim Min Jeong cho biết, khó khăn lớn nhất đối với bà khi bắt tay dàn dựng vở diễn này là sự bất đồng về ngôn ngữ. Mọi việc trao đổi với đạo diễn Lâm Tùng và các diễn viên đều phải thông qua phiên dịch. Nhưng điều mà bà yêu nhất đó là 13 diễn viên tham gia vở "quá tuyệt vời và quá xinh đẹp".
"Tôi là người đã casting 13 diễn viên tham gia vở diễn và tôi rất hài lòng với sự lựa chọn của mình. 13 diễn viên này không chỉ đẹp về ngoại hình mà còn đẹp về tâm hồn", bà Kim Min Jeong nói.
Chia sẻ thêm về bối cảnh, đạo diễn Kim Min Jeong cho biết: "Tất cả bối cảnh, trang phục, đạo cụ của vở diễn đều sử dụng những gì truyền thống nhất của Việt Nam. Trong tiểu thuyết gốc có nói về con sông Đình, trong kịch bản chuyển thể cũng nói về con sông Đình và tôi đã dàn dựng con sông Đình. Chính vì thế chúng tôi mang nước lên sân khấu để miêu tả con sông Đình đó.
Trước khi bắt tay dàn dựng vở kịch này, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ tiểu thuyết gốc và kịch bản chuyển thể. Chúng tôi rất hiểu thông điệp mà nhà văn Dương Hướng muốn truyền tải trong tác phẩm văn học này. Tuy nhiên, với thời lượng cho phép, chúng tôi sẽ tập trung vào nhân vật Hạnh và các bà góa thường hay ngồi buôn chuyện ở dòng sông Đình. Tôi nghĩ, cảnh cuối của vở diễn sẽ mở ra tương lai mới cho Hạnh và cho những người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ ấy".
"Bến không chồng" sẽ được mang đi biểu diễn tại Hàn Quốc vào tháng 11/2022
Về dự án này, nhà biên kịch Nguyễn Thị Thu Phong cho biết, NSƯT Lâm Tùng đã đọc kịch bản và ấp ủ đưa Bến không chồng lên sân khấu kịch từ năm 2017. Trước đó, kịch bản này đã được giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Tuy nhiên đến năm 2022, vì nhiều cơ duyên, dự án mới thành hiện thực. Đạo diễn, NSƯT Lâm Tùng cũng chia sẻ, trước khi ê-kíp làm việc tại Việt Nam, lãnh đạo Nhà hát Kịch Việt Nam và nhiều thành viên đã có dịp đến Hàn Quốc tìm hiểu về KAPAP.
Trong quá trình cùng dàn dựng vở, cả Lâm Tùng và Kim Min Jeong đã không ít lần tranh cãi quyết liệt để bảo vệ quan điểm của mình. Vì dù có tiếng nói chung là ngôn ngữ nghệ thuật nhưng những khác biệt về văn hóa và đời sống vẫn tạo nên những quan điểm riêng. Và phải rất nhiều lần trao đổi, cuối cùng hai đạo diễn mới tìm được tiếng nói chung.
Theo kế hoạch, vở kịch sẽ chính thức ra mắt khán giả tại Hàn Quốc vào ngày 12 và 13/11 và là một trong những vở diễn được chọn phục vụ khán giả trong dịp kỷ niệm 70 thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam vào tháng 12/2022. Vở diễn do NSƯT Xuân Bắc và ông Um Dong Youl làm Giám đốc sản xuất, nhạc sĩ Giáng Son và Huijea Chung đạo diễn âm nhạc. Tham gia diễn xuất là các nghệ sĩ được yêu mến của Nhà hát Kịch Việt Nam.
0 nhận xét:
Post a Comment