Người xưa đã có câu "Hổ dữ không ăn thịt con", thế nhưng những bà mẹ trong loạt phim truyền hình thu của VTV mới đây là thể hiện diều ngược lại. Mưu mô, tính toán, sẵn sàng đem con ruột của mình ra để nhằm tìm kiếm lợi ích là điểm chung của bà Bích, bà Xuân (phim Hương vị tình thân) và bà Hoài (phim Hãy nói lời yêu).
"Không thể tin nổi có những người mẹ táng tận lương tâm đến thế" là nhận định của nhiều khán giả khi xem hai bộ phim này. Để người xem phản ứng "mạnh" như vậy, không thể không nhắc tới tài năng diễn xuất của ba diễn viên Tú Oanh cùng vai diễn bà Bích, diễn viên Quách Thu Phương với vai bà Xuân và diễn viên Nguyệt Hằng trong vai bà Hoài.
Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ba diễn viên gạo cội này để tìm hiểu cơ duyên nào họ tìm tới vai diễn và bí quyết nào để vai diễn của họ bị "ghét" tới như vậy trên màn ảnh.
Tú Oanh - Bà Bích ngây ngô nhưng tư lợi, hèn kém và ít học
Bà Bích được xây dựng là một người ham vật chất, cơ hội và rất ghét đứa con nuôi của chồng mang về. Bà Bích luôn dành tình yêu thương ngọt ngào nhất cho Diệp, còn đối với Nam, bà coi như kẻ giúp việc. Bà luôn trách mắng, bắt làm đủ thứ việc và suốt ngày bóng gió về chuyện "nuôi mày tốn cơm". Đến khi Nam lớn, bà chỉ chăm chăm bắt cô phải trả ơn và nhiều lần khiến Nam rơi vào cảnh dở khóc dở cười.
Khi vay nợ và không có khả năng trả, bà Bích đưa Diệp bỏ trốn để mặc Nam phải chịu xã hội đen ngày ngày đe dọa. Khi gây ra chuyện và bị dọa sẽ xử lý hình sự, bà Bích "bán đứng" Nam để lấy 700 triệu khiến cho cô trở thành một kẻ xấu xa trong mắt gia đình Long, phải rời đi trong tủi hổ.
Chính vì những điều quá quắt mà bà mẹ nuôi gây ra, Nam đã bỏ ra khỏi nhà và chỉ khi chuẩn bị cưới Long mới chịu quay về nhà. Mặc dù cũng có những thay đổi nhất định, tuy nhiên cuối cùng, trong mắt bà Bích, các con của mình chỉ là công cụ để bà tư lợi.
Chia sẻ về vai diễn này với Dân Việt, diễn viên Tú Oanh cho biết khi đảm nhận kịch bản đã xác định rõ hướng đi mà mình sẽ "nhập" vào vai bà Bích.
"Bà Bích là một người ít học, nông cạn, sợ chịu trách nhiệm chính vì vậy, những hành động của bà Bích đều xuất phát từ cái "gốc" đó để tôi phát triển vai diễn. Hình ảnh về người mẹ như bà Bích có nhiều trong cuộc sống, dù không sở hữu tất cả "tật xấu", nhưng mỗi người ít nhiều đều có một góc tính cách của bà Bích. Bằng cách quan sát từng chi tiết nhỏ đó trong cuộc sống, tôi đưa vào vai diễn một cách rất tự nhiên", diễn viên Tú Oanh nói.
Bà Bích ném mắm tôm trả thù bà Sa trong Hương vị tình thân.
Tú Oanh cho biết, vai diễn bà Bích là sự trở lại điện ảnh sau một thời gian tương đối dài. Dù đã có sự chuẩn bị tâm lý trước, nhưng nhiều nhận xét của khán giả về vai bà Bích vẫn làm nữ diễn viên này "hoang mang".
"Tôi không dám mở mạng xã hội để đọc những bình luận về mình. Bao nhiêu năm qua mình vẫn diễn trên sân khấu và nhận nhiều vai phản diện, gai góc dễ làm khán giả ghét. Thế nhưng diễn trong nhà hát kịch, khán giả ít chủ động tương tác trực tiếp như trên mạng xã hội. Có khi phim đang chiếu, khán giả quá bực bà Bích quá cũng gõ ngay đôi dòng để mắng vốn trên trang facebook của phim.
Nhưng dần tôi hiểu khán giả chỉ đang "cuốn" theo bộ phim, họ hoàn toàn hòa mình vào tâm lý của nhân vật trên phim. Chính vì vậy, tâm lý khi đọc phản hồi của khán giả về vai diễn cũng có "đỡ sợ" hơn. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những khán giả chưa phân biệt được vai diễn và diễn viên, họ nghĩ rằng mình ngoài đời phải "thế nào" thì mới diễn vai phản diện tốt được như vậy. Diều này cũng làm tôi có buồn thoáng qua", diễn viên Tú Oanh tâm sự.
Nguyệt Hằng - Tôi bị ám ảnh bởi nhân vật bà Hoài
Diễn viên Nguyệt Hằng tâm sự chưa có vai diễn nào tạo ra sự "ám ảnh" đối với bản thân như vai bà Hoài trong phim Hãy nói lời yêu. Không ít lần Nguyệt Hằng phải nói với đạo diễn rằng mình "sẽ điên theo nhân vật".
"Có những ngày quay, mình khóc từ đầu đến cuối, bị đau đầu kinh khủng. Chưa bao giờ mình căng thẳng như thế. Tâm lý của nhân vật cứ nghĩ theo kiểu xiên xẹo ra cái này, xiên xẹo ra cái kia chứ không nghĩ kiểu đơn thuần. Khi diễn cảnh con trai của bà Hoài mất, lúc nào nhân vật cũng mơ màng muốn đi tìm con trong ngôi nhà đó. Vì phân cảnh này, nhiều khán giả muốn bỏ phim vì bộ phim quá chân thật, tình tiết này gây sốc cho họ", Nguyệt Hằng chia sẻ thêm với Dân Việt.
Nói về vai diễn, nữ diễn viên cho rằng bà Hoài vì tâm khảm luôn muốn chồng được sung sướng, con cái ăn ngon mặc đẹp. Thế nhưng cách mà bà luôn quản lý, o ép những người xung quanh khiến cho họ ngột ngạt và tự tìm cách "giải thoát" cho mình. Những biến cố diễn ra liên tục xung quanh khiến bà Hoài không kiểm soát được hành động của mình.
Bà Hoài cố gồng lên và vượt sức chịu đựng nên mới hành động càng ngày càng đi quá xa. Diễn viên Nguyệt Hằng nói: "Bà ấy điên loạn ép con trai ăn và học, quát nạt bạn bè của con gái, rạch tay tự tử trước mặt con, thuê người khiến bồ của chồng sảy thai… Nhiều lúc tôi cũng mệt mỏi vì phải khóc và gào thét quá nhiều".
"Qua vai diễn này, tôi luôn mong không có bố mẹ nào thấy giống mình trong đó. Cũng cầu mong cho bọn trẻ thấu hiểu cho bố mẹ. Chúng ta hãy tập nói những lời yêu thương với nhau đi, mọi lỗi lầm sẽ được hoá giải", diễn viên Nguyệt Hằng tâm sự.
Quách Thu Phương - Bà Xuân là người mẹ đáng thương?
Trong phim Hương vị tình thân, bà Xuân có lẽ là một trong những người mẹ bị khán giả ghét nhất. Đỏng đảnh, dễ bị những lời ngọt ngào lừa dối, bà Xuân hội tụ đủ những tính xấu của một người phụ nữ giàu có nhưng thiếu sự đồng cảm với người khác.
Mặc dù luôn tỏ ra "trên cơ" so với người nhà, nhưng khi bước ra ngoài xã hội, bà Xuân lại ngu ngơ để bị lừa tiền, vướng ồn ào sao kê từ thiện đến nỗi nhảy cầu tự tử. Trong những tập gần đây, nhân vật này đang dần có sự chuyển biến tâm lý.
Nữ diễn viên Quách Thu Phương cho biết, vai diễn bà Xuân là nhân vật vô cùng mới mẻ với đối với mình. "Tôi cảm thấy phấn khích khi nhận nhân vật khác mình nhiều về tính cách. Để chuẩn bị cho nhân vật này, ngoài tâm lý nhân vật tôiđã tính toán kỹ lưỡng để chọn trang phục phù hợp với bà Xuân qua từng phần.
Nếu như ở phần 1, bà Xuân ăn mặc lòe loẹt cho thấy mình là người phụ nữ diêm dúa thì sang phần 2 trang phục có sự thay đổi bởi bà Xuân đã va chạm nhiều hơn, có nhiều sự mâu thuẫn và cảm xúc cũng trưởng thành hơn", diễn viên Quách Thu Phương nói.
Khi được hỏi về việc vai diễn bị khán giả "ghét" quá, Quách Thu Phương cho biết trong quá trình làm phim, chị nhận được sự đả kích từ khán giả, có chút gì đó khiến mình hơi buồn. Một số khán giả không nhìn thấu được gần hết, họ đưa những ích kỉ, cá nhân của mình vào, có những lời lẽ không được văn minh gây ra sự tổn thương cho nghệ sĩ.
Biên kịch phim Trịnh Khánh Hà cho biết, ngay từ đầu đã xác định xây dựng hình ảnh bà Xuân là “người phụ nữ nông nổi, ngây thơ, cả tin, thiếu hiểu biết”. “Mẹ Xuân, như mọi người đã nói, có rất nhiều điểm xấu để cho người ta ghét, nhiều khi mẹ bị ghét cũng đáng đời. Nhưng mẹ Xuân có đáng thương không? Tôi nghĩ là có.
Với nhiều người, thì mẹ Xuân đúng là “sướng quá hóa rồ”. Mẹ không phải đi làm, nhà mọi việc có giúp việc lo, chồng làm ra tiền sẵn sàng chu cấp đầy đủ cho mẹ cuộc sống giàu sang. Các con của mẹ đều thương và chiều mẹ. Nhưng, hiểu mẹ thì không! Đúng hơn, là hiểu nhưng bỏ qua. Thương, nhưng không trân trọng. Chiều, để né sự phiền phức mà mẹ mang lại”, nữ biên kịch chia sẻ.
0 nhận xét:
Post a Comment