Kể từ “Hoa nở không màu”, trạng thái âm nhạc của Hoài Lâm là buồn và buồn hơn nữa. Ca khúc mới “Anh cứ ngỡ” tiếp tục đi theo mạch này.
Dù hát sáng tác của ai, Hoài Lâm từ năm 2020 thuần túy giới thiệu những bài hát buồn. Từ nỗi cô đơn đến đau khổ vì cuộc tình tan vỡ hay những tiếc nuối không giải tỏa được, tất cả được Hoài Lâm gửi vào âm nhạc. Một số thành hit, cũng có bài bị chê nhưng nỗi buồn thì trải dài và không đổi.
Tối 11/5, Hoài Lâm ra ca khúc mới Anh cứ ngỡ. Sản phẩm được đăng tải cách MV Đời có mấy khi chưa đến hai tuần. Từ đầu năm đến nay, Hoài Lâm đang là một trong những ca sĩ có nhiều bài hát mới nhất. Khi đứng ngoài đường đua Vpop, giọng ca sinh năm 1995 mạnh dạn ra nhiều sản phẩm, bất luận chuyện có sáng tạo về âm nhạc và hình ảnh hay không.
Đắt nhất MV vẫn là giọng hát
Anh cứ ngỡ là một bản pop ballad cơ bản do Gold MK sáng tác kiêm hòa âm, phối khí.
Gold MK là gương mặt mới của đời sống âm nhạc. Trước đó, trong Đời có mấy khi – cũng một sáng tác của Gold MK, anh lấy âm thanh của saxophone làm nhạc cụ chủ đạo khi phối. Lần này, Anh cứ ngỡ mở đầu với xử lý âm thanh giống tiếng sáo.
|
Hoài Lâm liên tiếp ra các sản phẩm với phần âm nhạc lẫn hình ảnh đều được thực hiện đơn giản. Ảnh: CMH. |
Ca khúc viết theo cấu trúc hai đoạn (verse) phát triển, xen kẽ với một điệp khúc (chorus) và một đoạn kết thúc cuối bài. Thời lượng bài ngắn hơn 3 phút, bản phối sắp xếp âm thanh khá đơn giản, không có nhiều dấu ấn riêng.
Nội dung Anh cứ ngỡ là những tiếc nuối của một chàng trai về cuộc tình đổ vỡ. Tiếc những ngày tháng đã qua, tiếc những mặn nồng đã dành cho nhau, tiếc cả những đớn đau trong quá khứ.
Dẫu vậy, chàng trai chọn cách đứng từ xa, lặng thinh khi người cũ có tình yêu mới. Có một chút trách cứ vì những đổi thay sau nguyện thề giông gió nhưng nguyên nhân đã được chính anh chàng chỉ ra “là do hai chúng ta chẳng ai hiểu được nhau”.
Giọng Hoài Lâm hay và xử lý nhẹ nhàng, chất chứa, nhất trong điệp khúc: “Mưa buồn về ngang phố / Thấm ướt những con đường kia / Người ở lại trong bão tố, có biết buồn hay hạnh phúc / Hay là do ta đã yêu nhau vội quá / Nên giờ đành phải cách xa / Là do hai chúng ta chẳng ai hiểu được nhau”.
Phía dưới MV, nhiều người bình luận Hoài Lâm hát như kể câu chuyện của chính mình do họ tìm thấy những đồng điệu từ cảm xúc bài hát với thực tế đời sống của nam ca sĩ.
Về hình ảnh, tương tự Đời có mấy khi trước đó, MV được thực hiện rất đơn giản. Bối cảnh của Anh cứ ngỡ là một cánh đồng lúa xanh ngút ngàn.
Không có bất kỳ sự đầu tư cầu kỳ hoành tráng nào. Cách quay và chạy lyrics khá lạc hậu dù vậy giọng hát vẫn là điểm sáng. Hoài Lâm chỉ đứng hát trong trang phục khá đơn giản, trông già hơn lần xuất hiện trước, song, anh nhận được phản hồi tích cực của không ít khán giả.
Buồn và… buồn hơn nữa
Kể từ Hoa nở không màu, trạng thái âm nhạc của Hoài Lâm là buồn và... buồn hơn nữa. Anh liên tiếp hát về nỗi buồn dù trong ca khúc “đo ni đóng giày” hay một ca khúc nhạc phim đặt hàng.
Ở Hoa nở không màu – một sáng tác của Nguyễn Minh Cường, Hoài Lâm từng thể hiện trọn vẹn nỗi buồn ballad cả về âm nhạc lẫn cảm xúc.
Ca khúc là những tiếc nuối về cuộc tình đã qua với phần chorus chất chứa tâm trạng: “Chỉ là nỗi nhớ mãi đứng sau cuộc tình đã lỡ / Chỉ là cơn mơ cuốn theo cả một trời thương nhớ / Chỉ là nỗi đau thổn thức / Chỉ là nhói thêm một chút / Chỉ là nước mắt cứ rưng rưng”.
Nhưng sau cùng, chàng trai không trách cứ điều gì. Thay vào đó, chỉ thương xót kỷ niệm cứ dần úa tàn, xác xơ: “Chỉ là anh cố chấp luôn âm thầm / Bước về phía nắng ấm tìm em / Thế mà cơn mưa đêm xoá hết kỷ niệm / Chỉ còn lại xác xơ nỗi nhớ”.
Hồi đó, nhiều khán giả cũng nhận xét Hoài Lâm xử lý ca khúc chân thành như hát về chuyện của chính mình. Trong khi đó, Nguyễn Minh Cường cho biết anh không chủ đích viết ca khúc từ hoàn cảnh của Hoài Lâm nhưng khi hoàn thành, ngoài Hoài Lâm dường như khó ai hợp hơn với tâm trạng trong Hoa nở không màu.
Đến Buồn làm chi em ơi cũng của Nguyễn Minh Cường viết và tiếp tục lại là một ca khúc buồn. Buồn làm chia em ơi là câu hát xuất hiện bốn lần trong bài. Ca khúc vừa như lời nhắn tự thân vừa như những động viên dành cho cô gái: “Buồn làm chi em ơi lá xanh rồi cũng phai màu / Ngỡ duyên mình bền lâu ai ngờ lại xa cách nhau / Trăng treo trên mái đầu, tâm tư nên âu sầu / Qua bao nhiêu dãi dầu mà lại nỡ qua cầu sang ngang”.
Buồn làm chi em ơi ngay từ đầu đã được Nguyễn Minh Cường xây dựng cho giọng hát của Hoài Lâm. Thay vì được viết theo pop ballad, ca khúc là sự kết hợp của electropop và bolero. Bolero, nhạc trữ tình cũng vốn là thế mạnh của Hoài Lâm.
|
Hoài Lâm thu âm Buồn làm chi em ơi trên ôtô. Ảnh: Nguyễn Minh Cường. |
Sau hai bản hit Hoa nở không màu và Buồn làm chi em ơi, Hoài Lâm tiếp tục mang đến nhạc buồn trong Cô đơn trong nhà mình. Đây là một bản pop ballad da diết của Nguyễn Văn Chung viết cho một bộ phim truyền hình. Ca khúc nói về nỗi cô đơn của người trưởng thành, cô đơn trong chính căn nhà của mình, trong cảm xúc của mình.
Nỗi cô đơn như nghẹn ứ mà phải cố che giấu đi: “Dường như bao nỗi đau đã đầy trong tim / Dường như bao cay đắng đã nén quá lâu trên bờ môi ấy / Mỗi ngày tôi phải cố gắng che giấu đi sự mệt mỏi không ai gánh cùng / Để rồi nỗi buồn vỡ vụn trong đêm”.
Sau đó, chính chàng trai phải tự nghiệm ra: "Dường như tôi cô đơn trong chính ngôi nhà mình không ai biết / Muốn khóc nhưng cứ phải gượng cười! / Tình yêu đâu phải hy sinh là sẽ giữ được một người mãi mãi / Càng không phải cố níu với hoài bàn tay ai ở bên / Vì sao không yêu nhau như những ngày đầu tiên yên vui ấy? / Cứ ngỡ ta đã hiểu được nhau".
Cuối năm 2020, Hoài Lâm còn giới thiệu ca khúc Người đến sau sẽ cho người tất cả. Bản ballad này có nhiều hạn chế về âm nhạc và hòa âm, phối khí nhưng về nội dung, đây cũng là một bài hát buồn nằm trong dòng chảy nhạc buồn của Hoài Lâm.
Hơn một năm qua, Hoài Lâm hát rất nhiều về nỗi buồn. Nỗi buồn và những tiếc nuối còn như ẩn ức trong âm nhạc và giọng hát của anh.
Theo zingnews.vn
Hoài Lâm chúc phúc cho vợ cũ và Đạt G
Cindy Lư lần đầu xác nhận chuyện tình cảm với Đạt G ồn ào những ngày vừa qua, và cho biết Hoài Lâm đã nhắn tin để chúc phúc cho cô và tình mới.
0 nhận xét:
Post a Comment