'Thể xác tan rồi. Như sương khói trong đôi mắt ông kia. Nhưng văn chương của ông, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tạo ra vẫn đổ bóng dài, thử thách mãi các nhà văn đương đại!' - nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Năm 1986, nhà thơ Bế Kiến Quốc gọi tôi đến Tuần báo Văn Nghệ, giọng đầy bí mật: “Ông đến tôi ngay đi. Có người rất hay muốn giới thiệu với ông”. Tôi đến, Bế Kiến Quốc chỉ một người nhỏ nhắn, gầy, đen, khuôn mặt khắc khổ, nhăn nhúm, nhưng đôi mắt lớn như mắt hổ đầy sinh khí nhìn tôi không chớp. Đấy là Nguyễn Huy Thiệp.
Vài tuần sau báo Văn Nghệ in Vết trượt truyện đầu tay của Thiệp. Vết trượt rơi tõm vào không gian trống không của văn đàn Việt. Lại Tết năm ấy cũng vẫn Bế Kiến Quốc gọi tôi đến tòa soạn, trang trọng đặt trên bàn tờ báo Tết: "Những ngọn gió Hua Tát của Thiệp đấy. Hay lắm!".
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lúc 16h45 ngày 20/3 tại nhà riêng, hưởng thọ 72 tuổi. |
Tôi nghiến ngấu truyện ngắn thứ hai của Nguyễn Huy Thiệp. Rõ ràng, vẫn giọng văn ngắn gọn, xúc tích, ngôn ngữ sắc nhọn, đối thoại đa nghĩa đậm cá tính nhân vật. Rồi, kế ngay sau ít ngày nữa là Tướng về hưu trên Tuần báo Văn nghệ, Chảy đi sông ơi trên Người Hà Nội. Nguyễn Huy Thiệp như cơn dư chấn, chớp nhằng những vệt sét dài sang xanh trong bầu trời đổi mới văn học những năm cuối thập kỷ 80.
Trong lịch sử dòng chảy văn học cách mạng thời kỳ vừa qua, ở sự đổi mới, nhiều nhà văn xuất hiện, thay đổi cách viết cũ một chiều, đầm mình với đời sống xã hội, ngập tràn hơi thở đời sống, hơi thở nhân quần. Nhưng cũng vừa với kích cỡ của từng người, đa số sự đóng góp của họ chỉ là một hay hai tác phẩm rồi lặng lẽ âm thầm chết.
Từ năm1986 tới tận năm 1996 vừa tròn mười năm, khép lại ở truyện Cà phê Hàng Hành. Nguyễn Huy Thiệp trình làng văn cả một vệt dài đồ sộ, bao gồm gần 50 truyện ngắn, mà trong đó có 20 truyện ngắn cực kỳ xuất sắc: Những ngọn gió Hua Táp, Những bài học nông thôn, Tướng về hưu, Những người thợ xẻ, Chảy đi sông ơi. Thương nhơ đồng quê. Đặc biệt là chùm Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết… thực sự là những phù điêu đá vàng sáng chói, không lẫn bất kỳ giọng văn nào trong văn đàn hàng trăm năm qua.
Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mang âm hưởng dài của một đất nước thăng trầm, vừa hạnh phúc vừa đau khổ, nhiều tiếng nói của những số phận, nhiều nỗi buồn thăm thẳm của bao kiếp trầm luân chẳng phân biệt giai tầng. Nó phán ánh, chỉ rõ những bất cập, mâu thuẫn lớn nhất trong tâm hồn xã hội, những điều cần thay đổi cả nhận thức lẫn hành động.
Bằng kiến thức sâu sắc của một người đọc nhiều, thấm đẫm văn hóa Việt, ít nhiều ảnh hưởng tinh hoa văn hóa vùng Hoa Hạ, lại có một sắc thái đặc biệt riêng khi diễn ngôn, giàu cá tính ở ngôn ngữ đối thoại, mạnh dạn đưa ngôn ngữ đời thường vào trang sách, Nguyễn Huy Thiệp tuổi Dần (sinh 1950) những năm cuối thế kỷ 20 ấy, như con hổ lớn gầm lên trong cánh rừng văn học nước nhà tạo nên những chấn động dư hồi vọng động, không có con thú nào trong cánh rừng văn chương thời ông có được.
Văn chương như thế cũng là một lối cách, một con đường bày tỏ điều khát khao thiện tính của một dân tộc, nằm ngay trong những mâu thuẫn nội tại ở từng giai tầng, nhất là trong tầng lớp cặn đáy xã hội.
Mùa hè 2020 tôi đang cơn trọng bệnh vì tai nạn liên tiếp thì biết tin ông bị tai biến lần thứ hai. Nguyễn Huy Thiệp văn chương quyết liệt dấn thân đến cùng, nhưng đời thường lại yếu đuối có phần vụng về. Bệnh tật quật ngã làm ông không nhấc nổi thân hình, tay liệt và chân liệt.
Bình thường ông vốn đã không hoạt ngôn và hay nói lắp. Nay hậu quả bệnh tật làm ông nói năng khó khăn hơn. Phan Thị Trang vợ ông (cũng đang bệnh nặng), cùng con trưởng là họa sĩ Nguyễn Phan Bách nghe tôi mang bố Thiệp tới nhà thuốc Nam Dược Đường rê thuốc nóng. Gặp lại nhau mà rơi nước mắt. Ông nắm chặt bàn tay tôi hôm ấy. Đôi mắt hổ ngày nào luôn nhìn thẳng vào mắt bạn bè ánh những tia sáng sinh khí, giờ đây đầy khói mù. Thương bạn tôi run rảy dỗ dành, hăm dọa. Lại đi quyền huỳnh huỵch trước mặt ông và con trai để mong ông tự cố mà vượt lên chiến thắng bệnh tật.
Gần tháng trời trị bệnh, Nguyễn Huy Thiệp đã khá lên để ngày ngày tựa vào hai con đi được một vòng quanh sân nhà trong xóm Cò, Khương Hạ, Khương Đình. Có hôm còn đủ sức ngồi kể lể, nhắc nhớ hàng tiếng với họa sĩ Thành Chương. Nguyễn Huy Thiệp rất sợ cô đơn. Trước đó, nhiều khi gượng bệnh hành hạ thân xác, Thiệp luôn giục con trưởng Phan Bách gọi hai người rất thâ là thi sĩ Bảo Sinh hay Nguyễn Hoàng Điệp tới thăm.
Cũng chỉ gặp nhau chỉ dăm chục phút để Nguyễn Huy Thiệp bớt đi cảm giác lạnh buồn. Gặp gỡ những người thân bao nhiêu kỷ niệm trong Tuần báo Văn như với họa sĩ Thành Chương, Nguyễn Huy Thiệp như nắm được những bàn tay ấm áp để đôi mắt hổ lại chợt lóe sáng, tóe hắt những tia sáng cuối cùng còn lại ở một thời bên nhau, trong dấn thân, trong nghèo nàn đói túng, cả những giây khắc hạnh phúc đến tột đỉnh khi ông lại thêm một giai phẩm sang trọng, lấp lánh cho bè bạn ngả mũ kính trọng.
Nguyễn Huy Thiệp vẫn là người chịu ảnh hưởng rất lớn ở những triết thuyết của đạo Phật. Ông thường dặn hai con ông rằng, nhiều người trong xã hội có danh vọng và tiền bạc, ấy là kiếp trước họ đã làm cho kiếp này hưởng nên không được ganh kỵ ghen tức với họ. Bổn phận mình phải làm nhiều điều tự thân tử tế để sau này hưởng sự tốt đẹp.
Ông cũng dặn, ai thực tâm cho mình cái gì mình nhận, có thèm cũng để giúp người khốn khó khác. Triết thuyết nhà Phật đúng đến bao nhiêu không ai biết hết, nhưng số phận lại dập ông cú ngã bệnh đột quỵ lần thứ ba. Lại thêm sự ra đi của người vợ tần tảo suốt đời thủy chung chăm sóc mà ông lấy làm điểm tựa mỗi khi nguy nan nhất. Nguyễn Huy Thiệp gục hẳn.
Đến thăm ông lần cuối cũng là ngày thứ 49 tưởng nhớ chị Trang, Lê Đình Nguyên và tôi ngồi sát bên cái thân xác bất động, phủ tấm chăn dưới cái vô tuyến bật suốt ngày. Nghe con gọi, rằng tôi đến, Nguyễn Huy Thiệp khẽ mở đôi mắt mấp máy mồm gọi tên tôi.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Văn Thọ và hoạ sĩ Thành Chương. |
Ôi, con hổ lớn của cánh rừng đại ngàn năm xưa, có những tiếng gầm lớn chấn động cả khu rừng văn chương giờ đây nằm phủ phục và đôi mắt lại đầy sương khói chỉ còn chút hơi ấm ở bàn tay gầy cứ nắm xiết mãi bàn tay tôi như muốn níu kéo điều còn lại duy nhất mà ông - nhà văn lớn của chúng ta đã lúng túng như đứa trẻ ngây thơ, ngày ngày viết ngây thơ trong trẻo đến cận cùng ca ngợi tình người, tình bạn, tình văn, tình vợ chồng và tình yêu con cái đắm say. Những giờ phút cuối cùng của một đời người đã điểm, những con chữ cuối cùng khi đuối sức Nguyễn Huy Thiệp vẫn dành cho chúng tôi: Con người
Tôi biết tin bạn văn Nguyễn Huy Thiệp mất, sau khi ông ra đi đúng chục phút đồng hồ. Giọng con trưởng Nguyễn Phan Bách chầm chậm kể… Trong khoảng khắc ấy, cả khu nhà và khu vườn tôi bỗng như hóa đá, để những giọt nước mắt lặng lẽ âm thầm chảy xuống.
Tôi nhớ đến những ngày hè oi ngột mà hai đứa nằm trên sàn đá hoa nhà tôi để chia sẻ Chảy đi sông ơi. Tôi nhớ đến những bữa cơn đạm bạc mỗi lần tôi từ Đức trở về được vợ Thiệp, chị Trang chăm sóc cho hai đứa. Tôi cũng nhớ đến những khi tranh luận văn chương nảy lửa và rồi khi từ Đức trở về gặp lại nhau, ông lại tủm tỉm cười xòa… Vâng, tôi nhớ bàn tay ông xiết mãi năm sáu lần thăm nhau gần đây.
Nguyễn Huy Thiệp đã ra đi rồi. Mãi mãi không còn một bạn văn lớn để nói cho nhau nghe sự đời chua chát hay hạnh phúc. Kể về những người bạn chung tử tế và những hy vọng, mong ước cho con cái của từng người. Ông ra đi, những những giai phẩm tuyệt sắc của ông vẫn như những bóng dài phủ xuống nền văn học nước nhà bấy nay khó ai thay thế được.
Cuộc đời của một con người đã chấm dứt. Đó là sự chấm dứt tan rã về phần xác. Còn linh hồn, ở những trước tác và thái độ nhà văn với cuộc sống, có lẽ Nguyễn Huy Thiệp mãi vẫn là một giá trị lớn không thể ai phủ nhận. Đó là sự cần dấn thân trong đời sống không chần chừ, không thể thiếu được để nắm bắt hơi thở con người. Đó là sự quyết liệt với từng trang sách, từng con chữ mà nhà văn chân chính không thể chối từ, dẫu chính nó có thể tạo ra sức ngăn cản để thử thách lòng nhân, sự kiên gan của một cây bút trước sự đòi hỏi của một xã hội tiến bộ hơn.
Xin đau xót vĩnh biệt ông, một bạn văn chân thành, vụng về nhưng luôn thiện tâm. Xin vĩnh biệt ông, Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn kiệt xuất, lừng lững ở mảng truyện ngắn mà khó nhà văn nào có thể thay thế để tạo ra, một hiện tượng đặc biệt của văn chương nước nhà trong thời kỳ đổi mới đã bốn thập kỷ vừa qua.
Thể xác tan rồi. Như sương khói trong đôi mắt ông kia. Nhưng văn chương của ông, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tạo ra vẫn đổ bóng dài, thử thách mãi các nhà văn đương đại!
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa qua đời lúc 16h45 hôm nay, ngày 20/3 tại nhà riêng, hưởng thọ 72 tuổi.
0 nhận xét:
Post a Comment