Tác giả Châu La Việt là người thân thiết với NSND Trần Bình. Ông kể có một đêm ngồi cùng Trần Bình, Ái Vân ở một quán cà phê góc phố Nguyễn Du và thấy những dòng nước mắt chảy thành vệt trên má Ái Vân...
Từ lâu rồi tôi nghiệm ra, NSND Trần Bình chắc có bùa luôn dắt trong túi áo, đã định ai thì rồi ai cũng đều mê nó hết, nam mê đã đành mà nữ thì càng lăn lóc. Một thời tuổi trẻ tôi cũng mê và thân Trần Bình lắm. Tôi thì từ mặt trận về, đang chờ về học lại tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đang tạm được “ăn lương” của ông Tạ Đinh Đề để viết kịch cho Đoàn kịch đường sắt, còn Trần Bình cũng đang tác túc “lương ông Đề” vì Nhà hát thiếu nhi của Bình giải thể, tất cả phải chuyển biên chế về Đoàn ca múa Hải Phòng, Bình muốn ở lại Hà Nội với mối tình đầu nên chấp nhận sống bụi ở Hà Nội.
Hà Nội những ngày ấy nghèo, lầm than và bát nháo lắm. Hậu quả của bao năm chiến tranh, đói nghèo như đến với mọi nhà. Nhà cửa chật chội, lính ta từ khắp các mặt trận về chỗ ăn, chỗ ở, chỗ làm đều rất khó khăn, tìm được một góc cầu thang, kê được một chiếc giường tối tối ngả lưng đã là may mắn. Ghế nhà ga, ghế đá công viên, vườn hoa ven Bờ Hồ đêm đêm đều kín chật người đi hoang, đi bụi...
NSND Trần Bình. |
Có một đêm, tôi với Trần Bình cũng phải như thế. Hình như đêm ấy hai “bá tước si tình” đi xem các em Ánh Tuyết, Minh Thủy của Nhà hát Kịch VN diễn thì phải. Khuya quá, lại gió bấc não nề nên chia tay các em sớm, lê về nhà ông anh Phan Lưu đạo diễn truyền hình ở phố Cao Bá Quát xin tá túc qua đêm. Nhưng đến nơi ông anh đã tắt đèn đi ngủ, gọi cửa mãi chẳng thấy trả lời.
Chúng tôi lại đến nhà ông anh Nguyễn Việt ở Nguyễn Gia Thiều. Ông này cũng là nghệ sĩ, một biên đạo múa nổi tiếng, yêu nhiều em nhưng lúc ấy vẫn 'thân cô thế cô'. Đứng trước cửa nhà ông, Trần Bình tự tin gõ cửa cộp cộp, ngay lập tức một mái đầu bù xù ló ra, tay xua xua: "Thôi thôi lạy các bố, các bố đi cho con nhờ" rồi đóng sập cửa lại. Sau này ông anh mới xin lỗi có lý do riêng của mình.
Não nề quá, hai thằng bèn phờ phạc ra góc Hồ Thiền Quang gần đấy, chọn một ghế đá trống, ngồi co ro trong tiếng gió rít và hơi lạnh tê tái đưa lên từ mặt hồ, cám cảnh vô cùng. Trần Bình có lẽ vô tư hơn tôi cho nên một lúc thì nghẹo đầu sang một bên, đã bắt đầu ngáy... Nhìn Trần Bình ngủ mà thú thật thương tôi đã đành, mà cũng thương nó vô cùng....
Tên thật nó là Thanh Bình nhưng đời nhiều giông bão quá, chẳng thanh bình tý nào nên sau này chỉ vắn tắt gọi là Trần Bình. Khi có con trai, vợ chồng nó đặt ngay tên con là Bình An, đời chỉ mong hai chữ Bình An mà thôi, thế là hạnh phúc rồi!.
14 tuổi nó đã nhảy tàu điện từ Hà Đông ra Hà Nội dấn thân vào nghệ thuật và cuộc đời. Đơn độc và hai bàn tay trắng! Thương bạn rồi lại thương thân - thân phận những thằng lính như mình trở về sau chiến tranh, rách quá, khổ quá... Rồi lại nghĩ đến chặng đường phía trước thế nào đây, khi đói thế này, rách thế này mà hai thằng lại cứ phải quyết chí dấn thân vào nghệ thuật. Thế là những vần thơ chợt đến, trên ghế đá đêm mùa đông ấy tôi đã viết bài thơ Đi bụi trong đêm mùa đông. Viết không để thở than mà viết để thắp lửa cho lòng mình và lòng bạn qua những đêm dài lạnh lẽo, qua những nghịch cảnh cuộc đời...
Sáng hôm sau chia tay nhau, hai thằng hai ngả, lại lăn lộn trường đời. Trần Bình đi tập trung để đi một tỉnh miền núi quay phim, nó được mời đóng một vai chính trong phim Độ dốc, cùng nghệ sĩ Tuệ Minh. Hai thằng mua một gói xôi ngô, xin rưới thật nhiều mỡ, chia đôi cho nhau lót dạ rồi mỗi thằng mỗi ngả. Nhìn nó vừa đi vừa ăn xôi, tôi như thấy rưng rưng trên mắt.
Nói thật trong đời, tôi đã tưởng mình nghị lực do đời lính và chiến trường tôi luyện nhưng xem ra Trần Bình lại còn nghị lưc hơn nhiều. Một đêm mùa đông đi bụi như trên là chuyện nhỏ, nó còn bao đêm mùa đông khác cùng các anh Trọng Khôi, Lưu Quang Vũ của Nhà hát Kịch VN đi vác bè nứa ở sông Hồng sau những đêm diễn, mồ hôi ướt đẫm vai áo trong gió rét để có thêm thu nhập cải thiện đời sống và kiếm chén rượu suông nhắm với trăng suông để bàn luận về chuyện nghệ thuật, chuyên đời cho thỏa thuê.
NSND Trần Bình: Một lần tự tử, hai lần trắng tay và những lần chia ly |
Đời Trần Bình như nó tự thú sau này tiếp theo còn là những giông bão hơn nữa: một lần đã toan tự tử, hai lần trắng tay, rồi những lần chia ly… nhưng cuối cùng nó lại nên người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. 45 tuổi Trần Bình còn biểu diễn đầy máu lửa trên sân khấu, được trao quyền Giám đốc Nhà hát nhạc nhẹ VN (Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN - PV) giữ cho nhà hát này tồn tại và sáng đèn suốt 25 năm sau dù nhiều nhà hát trong Nam ngoài Bắc đã giải thể.
Và giờ đây, khi đến tuổi về hưu, sự nghiệp nhà hát lại được Trần Bình trao lại cho người vợ yêu quý và phơi phới của mình gánh vác trên cương vị Giám đốc nhà hát. Đấy là em Nguyễn Quỳnh Trang mà một ngày đầu xuân năm xưa, tôi đi lễ chùa Hà bỗng thấy Trần Bình cũng đi lễ chùa với một cô trẻ lắm, xinh lắm. Bình giới thiệu: "Đây là Quỳnhh Trang, diễn viên múa nhà hát tôi". Thời gian sau, Trần Bình cưới cô gái ấy và gắn bó cho đến hôm nay, cũng đã hàng chục năm.
Tôi trộm nghĩ từ buổi đầu Trần Bình đến với nghệ thuật múa, là diễn viên múa và gắn bó với múa nhưng sau này không hiểu sao lại gắn bó nhiều hơn với lĩnh vực hát, góp phần lăng xê được rất nhiều ngôi sao ca nhạc rực rỡ dù tôi đồ rằng ông này mà hát thì quá ống bơ rỉ. Nhưng cuối cùng may thay, bạn tôi gặp và gắn bó với Nguyễn Quỳnh Trang. Múa lại trở về múa, lá lại rụng về cội, nước lại chảy về nguồn. Bởi thế bạn tôi từ ấy mới bình yên, thanh bình và hạnh phúc hay chăng?...
Cũng xin được nói thêm rằng, ca sĩ Ái Vân có thể trở về biểu diễn trong nước có công lớn của Trần Bình. Anh tận tâm, công phu, đầy khôn ngoan và giàu yêu thương. Nhớ những buổi đầu trở về đất nước, tôi có một đêm ngồi cùng Trần Bình, Ái Vân - chỉ ba người thôi - ở một quán cà phê nhỏ ở góc phố Nguyễn Du. Cả ba đều im lặng rất lâu và tôi thấy những dòng nước mắt chảy thành vệt trên má Ái Vân…
'Triệu bông hồng'- Ca sĩ: Ái Vân
Châu La Việt
Làm phim về cuộc đời ca sĩ Ái Vân
"Để gió cuốn đi" - tự truyện gây xôn xao của nghệ sĩ Ái Vân sẽ được chuyển thể thành phim trong thời gian tới.
0 nhận xét:
Post a Comment