"Má tôi bị tai biến, nằm liệt giường mười mấy năm. Ba và các chị cáng đáng phần má, lo cho tôi ăn học. Nhà tôi trầm lắng kể từ đó. Ai cũng nghĩ chắc má đi trước ba, không ngờ...", Minh Nhí rưng rưng kể.
Mua căn nhà đầu tiên ba mất, mua căn nhà thứ 2 má mất
- Tôi vẫn luôn tò mò, danh hài Minh Nhí – người thầy của bao nghệ sĩ thành danh hôm nay, lớn lên trong môi trường giáo dục của ba mẹ thế nào?
Trong nhà chủ yếu là ba tôi dạy các con, má tôi hay la, hay chiều chứ ít dạy. Ngày xưa, ai phạm lỗi mà bị ba “mời” lên lầu là mệt đấy! Ông không bao giờ đánh con nhưng mỗi lần dạy đến 1 – 2 tiếng. Tôi thường ngủ gật khi ba nói.
Vậy mà tôi nhớ đến già những câu Người ta ăn thì còn, mình ăn thì hết hay/ Có đức mặc sức mà ăn. Tôi nghiệm lại nhiều lần giúp người khác khi trong túi chẳng còn là bao thì ngay sau đó, tiền lại về với tôi như được mời show tới tấp. Tôi cho tiền người khác nhưng chưa từng nói nặng nhẹ họ một lần.
Tôi cũng tâm đắc câu này: Chỉ ba má là người con không thể tìm lại. Sau này, tôi dạy lại các thế hệ học trò hãy ứng xử vừa phải với mọi người, kể cả thầy Minh Nhí. Bạn thân quý ai đến mấy cũng đừng cho đi hết, hãy giữ lại ít hoặc nhiều. Lỡ có chuyện gì, bạn sẽ đỡ sốc. Hôm rồi, Việt Hương nhắc lại và vẫn áp dụng “thuyết tương đối” đó của tôi đến nay.
Phút lắng lòng Minh Nhí kể về ba má quá cố. |
- Những người đàn ông trung niên ở quê thường cục tính, quan điểm dạy con cái phổ biến là “Thương cho roi cho vọt”. Ba anh ngoại lệ kể cũng lạ...
Mấy chục năm qua, tôi không để ý điều đó nhưng bạn nói đúng thật! Ba tôi là tài xế xe tải, má tôi bán ở chợ. Hai người chưa từng đánh con. Má tôi còn hay la con cái chứ ba chỉ nói nhẹ nhàng.
Nhắc đến ba, tôi lại muốn khóc. Hồi tôi lên lớp 6, có lần chị Hai nấu chè, 8 anh chị em ăn sạch. Đến tối, ba lái xe về, biết chúng tôi nấu chè ăn hết không để lại cho ba má thì buồn. Ông ra ghế bố ngoài sân ngồi hút thuốc. Tôi lật đật ra hỏi, ông nói: Ba má đâu cần ăn nhưng mấy đứa ăn gì phải chừa cho ba má. Bây giờ, ba má còn sống thì không cho ăn, mai mốt ba má chết, mấy đứa có để bàn thờ ba má cũng đâu ăn được. Tôi khóc nức nở, hiểu ra không phải ba má muốn ăn chè mà đó là lễ nghĩa, đạo làm con.
Bây giờ, tôi dạy lại mấy đứa cháu trong nhà như vậy. Tụi nhỏ nấu gì cũng chừa cho cậu Tám; thậm chí tụi nhỏ toàn ăn đồ cũ, chừa đồ ngon mới cho tôi. Tôi “nhiễm” ba tôi nhiều lắm!
- Ký ức không thể quên về ông bà trong anh là…?
Má tôi đang khỏe thì bị tai biến, nằm liệt giường mười mấy năm. Ba và các chị cáng đáng phần má, lo cho tôi ăn học. Nhà tôi trầm lắng kể từ đó. Ai cũng nghĩ chắc má đi trước ba, không ngờ ba đi trước!
Năm 33 tuổi, tôi gom tiền mua được căn nhà nhỏ, trang hoàng sơn phết cẩn thận. Tôi mơ mộng cái nhà bé xíu ấy là chỗ ba có thể ghé nghỉ chân 1 - 2 ngày mỗi khi lên Sài Gòn. Vì hồi trước tôi ở thuê với Cát Phượng, Lý Hải, Hữu Bình. Căn phòng bé tý, ba tôi chỉ lên thăm rồi về ngay chứ không có chỗ nghỉ lại. Tôi đứng nhìn theo dáng ba dần đi khỏi con hẻm dài mà chua xót, tự nhủ phải sớm mua nhà. Nhưng chính trong mấy hôm sơn phết nhà mới, tôi nghe tin dữ.
Tối đó, tôi đi diễn cùng anh Hữu Châu. Nhóm chúng tôi đang ăn khách, diễn 10 – 15 show/đêm là bình thường. Tôi nhận tin nhắn từ chiếc máy phonelink: Ba mat roi, em ve gap. Tôi tưởng ai đùa ác vì chúng tôi vẫn hay trêu nhau “Phước Sang chết rồi, Nhật Cường chết rồi”. Tôi chửi thầm: Ai đùa mà mất dạy thì lại tiếp tục tin nhắn như vậy. Show sau ở rạp Trống Đồng, tôi mượn điện thoại bàn gọi về nhà thì biết chính xác là ba đã mất!
Vừa gác máy, tôi nghe MC giới thiệu đến tiết mục của Minh Nhí, Hữu Châu. Và tôi ra diễn một cách vui vẻ… Sau vài show, tôi ra nói với anh Hữu Châu: Em diễn hết nổi rồi. Anh Châu định chia tiền cát-sê, tôi nói để tính sau rồi lên xe với anh Năm. Suốt đoạn đường về Sa Đéc, chuyến xe không một tiếng động, thỉnh thoảng là tiếng sụt sịt của hai người con trai vừa mất ba.
Ba mất, chúng tôi không dám cho má hay, phải đưa bà sang nhà hàng xóm chơi vài ngày. Sau khi chôn cất ba, chúng tôi đưa má về nhà. Má bị liệt, không nói được nhưng cứ nhìn dáo dác tìm ba. Hình ảnh ấy tôi nhớ mãi trong đời… Ba năm sau, tôi mua nhà mới lớn hơn thì má mất. Má đi sau mười mấy năm nằm liệt giường vì tai biến. Sau đó, tôi mua nhà lần 3 và ở đó tới giờ. May sao cái hạn năm xưa không lặp lại với tôi lần nữa.
Cần lắm nghệ sĩ gạo cội lên tiếng, chấn chỉnh người trẻ
- Anh dạy Minh Khải ra sao?
Minh Khải là kiểu nếu tôi quát ầm ầm, con sẽ không tiếp thu. Tôi nói nhỏ nhẹ, phân tích phải trái thì con nghe. Với lại, Khải không phải do mình dứt ruột đẻ ra, tôi cũng dạy vừa phải, chừng mực. May là thằng bé rất ngoan, biết nghe lời. Khải giống tôi hồi xưa, sống cho mọi người nhiều hơn.
- Là thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ, anh có cái nhìn thế nào trước cảnh nghệ sĩ hôm nay bát nháo, nhiễu nhương, ứng xử như giang hồ, chợ búa?
Có lẽ cuộc sống quá hiện đại, tân tiến mà người ta quên đi hoặc lướt qua những giá trị đạo đức. Hồi nhỏ, tôi được thầy cô dạy đạo đức rất giản đơn. Chẳng hạn như đi đường, nếu có đoàn xe tang đi ngang, chúng tôi sẽ cởi nón cúi chào.
Tôi dạy học trò luôn uốn nắn đạo đức nhưng các bạn có nghe hay không là do tính cách mỗi người. Các bạn hôm nay còn ở sân khấu này, ngày mai ra nghề có thể thành ngôi sao. Tôi quan sát, bạn nào nghe thì tôi nói, không thì tôi bỏ mặc. May sao các bạn Việt Hương, Thúy Nga, Hạnh Thúy, Tiết Cương… đều nghe thầy.
Tôi nghĩ cần lắm những nghệ sĩ gạo cội lên tiếng, uốn nắn đạo đức của các bạn sau này. Tôi biết mỗi thời đại nhịp sống mỗi khác. Bạn nào ứng xử kém thì tự bạn ấy dở chứ tôi không đánh đồng hay mất niềm tin vào thế hệ nào.
Xin phép khán giả cho tôi nói điều này. Vì sao thế hệ của Việt Anh, Thành Lộc, Hữu Châu, Minh Nhí, Hồng Vân, Hồng Đào, Minh Phượng, Thanh Thủy, Hữu Nghĩa, Thanh Hoàng, Ái Như, Thành Hội… được gọi là thế hệ vàng? Vì chúng tôi không chỉ có thực lực mà còn sống biết trên biết dưới, gìn giữ đạo đức nghề nghiệp. Các bạn cứ nhìn vào thế hệ chúng tôi sao cho 10 – 20 năm nữa, người trẻ khi ấy sẽ gọi các bạn thế hệ vàng!
- Ai sẽ là người thừa kế và kế thừa danh hài Minh Nhí?
Sân khấu của tôi chẳng phải khối tài sản nghìn tỷ gì to tát, dễ sợ nên tôi thật tâm chưa tính chuyện thừa kế. Chẳng may tôi có chuyện gì, nếu người chủ sau của sân khấu vẫn giữ cái tên Minh Nhí để hoài niệm thì quý quá. Tôi hy vọng Minh Khải sẽ là người thừa kế. Con trai tôi hiện còn non nớt, thiếu sót, chưa đủ bản lĩnh gánh vác sân khấu. Tôi mong mọi người ở sân khấu hoặc một học trò cũ nào đó nhớ đến ơn xưa của thầy sẽ quay về đây hết lòng hỗ trợ thằng bé.
Chuyện giữ sân khấu hay kế nghiệp không đơn giản. Nếu không phải Hồng Vân, tôi e là khó có một người như vậy thứ 2. Hoặc giả như tôi không còn nữa, chẳng còn ai ở đây có thể dạy như tôi. Có lẽ, ông bà bầu nào cũng đau đáu giống tôi.
Trích hài kịch 'Tình già' qua diễn xuất Minh Nhí, Hữu Châu
Gia Bảo
Ảnh: Bảo Hòa
Nghệ sĩ Minh Nhí: Có lúc tôi không có nổi 50 nghìn trong túi!
Minh Nhí từng có thời gian nghèo trở lại, thậm chí đến mức không có đủ 50.000 đồng trong túi. Anh kể: "Lúc đó tôi phải bán đất, cắt phần sau của nhà để bán lấy tiền tiêu".
0 nhận xét:
Post a Comment