Trong 12 năm qua, ít nhất 11 ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc tự tử. Sự ra đi của Sulli một lần nữa khiến người hâm mộ bàng hoàng trước những áp lực mà ngôi sao phải trải qua.
Trở thành ngôi sao nhạc pop là công việc áp lực ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nhưng có lẽ không nơi nào đáng sợ hơn Hàn Quốc. Nơi đây, giải trí là một trong những ngành công nghiệp có sức cạnh tranh khốc liệt nhất. Có hàng trăm nhóm nhạc hoạt động ngay lúc này.
Sau cái chết của Jong Hyun vào năm 2017 vì tự tử, người hâm mộ kêu gọi nhau hãy bảo vệ thần tượng. Bảo vệ họ khỏi những áp lực cuộc sống, đặc biệt là những bản hợp đồng nô lệ, quy định khắc nghiệt của môi trường giải trí cũng như bình luận ác ý từ cộng đồng mạng.
Nhưng rồi, một ngày tháng 10 - 2 năm sau khi Jong Hyun qua đời - cộng đồng fan Kpop một lần nữa bàng hoàng chứng kiến sự ra đi của Sulli cũng với lý do tự tử. Trước khi qua đời, cô trải qua quãng thời gian dài chiến đấu với trầm cảm, nhiều lần lên mạng xã hội xin người hâm mộ hãy yêu thương mình.
Thành viên của các nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc gần như đánh mất quyền tự do đối với cuộc sống cá nhân. Họ như một thực thể được sản xuất để "bán những giấc mơ". Họ luôn phải duy trì hình ảnh đẹp đẽ bằng việc theo đuổi chế độ ăn kiêng đến cực đoan, nở nụ cười rạng rỡ bất cứ khi nào xuất hiện nơi công cộng, thậm chí bị cấm hẹn hò hoặc làm những gì khác số đông.
"Thần tượng sẽ làm mọi thứ, bất cứ điều gì mà người hâm mộ muốn. Bởi người hâm mộ chính là lý do duy nhất để họ tồn tại", Eunice Chang, Giám đốc sản xuất của E&M Productions nói.
Cô tiếp tục: “Ngay cả khi mệt mỏi, áp lực hay vướng tranh cãi, nhiều nghệ sĩ cũng không thể lên tiếng. Trong văn hóa Hàn Quốc, khi bạn nổi tiếng, bạn không thể thể hiện mặt yếu đuối của mình. Mọi người sẽ đáp trả: 'Ồ, bạn có tất cả mọi thứ. Tại sao bạn còn kêu than'”. Eunice Chang nhấn mạnh: “Họ luôn phán xét".
|
Chính Sulli cũng từng nhận vô số lời phán xét như thế và sau cùng là chọn cách tự kết liễu cuộc đời để giải thoát bản thân. “Em đã nói với họ em kiệt sức rồi, nhưng không một ai lắng nghe lời em nói”, cô bộc bạch trong một chương trình chỉ vài ngày trước khi qua đời.
Dù vậy, thật khó để các ca sĩ Kpop phá vỡ hợp đồng thường được gọi là “hợp đồng nô lệ” của họ với công ty quản lý. Trong một số trường hợp, điều đó gần như không thể vì các hình phạt và khoản tiền bồi thường có thể dao động từ 86.000 USD đến 120.000 USD (theo Flare.com). Công ty có vô số cách giữ chân thần tượng, thậm chí tống tiền hay đe dọa như trường hợp của Baek Ji Young.
Quản lý của nữ ca sĩ đã quay lén khi cô quan hệ tình dục và khống chế Baek Ji Young vì cô muốn thay đổi hợp đồng. Baek Ji Young đã nghĩ đối phương đang cố lừa gạt cho đến khi video thực sự xuất hiện trên mạng xã hội. Nữ ca sĩ đâm đơn kiện khiến quản lý phải trả giá nhưng cùng lúc, sự nghiệp của cô bị hủy hoại.
Mỗi thần tượng để được ra mắt phải trải qua quá trình tập luyện trung bình vài năm, thậm chí có thể là 9 năm như Johnny (NCT), 10 năm như Ji Hyo (TWICE) hay 11 năm như G-Dragon. Mỗi ngày, họ dành khoảng 8-12 tiếng đồng hồ hoặc hơn ở những vòng tập tối tăm để tập hát, vũ đạo. Những đứa trẻ kiệt sức khi vừa học văn hóa vừa luyện thanh nhạc. Nhưng bằng đó vẫn chưa là gì so với khi họ chính thức trở thành thần tượng.
Hoàn thiện ước mơ được đứng trên sân khấu cũng là lúc họ đối mặt với lịch làm việc dày đặc, đẩy bản thân đến tình trạng kiệt sức, bỏ bữa triền miên và thiếu ngủ trầm trọng. Các nghệ sĩ chỉ có trung bình khoảng 3 đến 4 giờ đồng hồ nghỉ ngơi mỗi ngày để dành số thời gian còn lại cho công việc. Sana của Twice từng tâm sự có ngày cô tranh thủ ngủ được 10 phút vì quá bận rộn. Trong khi đó, EXO lần đầu có kỳ nghỉ vào tháng 1/2019 sau 7 năm ra mắt. Thành viên D.O hạnh phúc đến mức anh tưởng 6 ngày nghỉ dài như 60 ngày.
Kpop là một ngành công nghiệp khổng lồ, trị giá hàng tỷ USD nhờ việc bán mọi thứ, từ album, vật phẩm in hình thần tượng tới vé xem concert... Tuy nhiên, trong khi các thần tượng hát, nhảy và đẩy mình làm việc nhiều đến mức chết đói thì chính họ cũng là nạn nhân của việc khai thác tài chính.
Trong một video bùng nổ vào tháng 1/2018, cựu ngôi sao Kpop Prince Mak nhắc đến cụm từ “hòa vốn ở Kpop”. Theo anh, đây là hệ thống được tạo ra bởi công ty giải trí nhằm đảm bảo các thần tượng hoàn trả đủ số tiền đầu tư vào họ trong quá trình đào tạo. Những chi phí này bao gồm chỗ ở, nhân viên, đồ ăn và sản xuất video âm nhạc…
Theo Mak, một nhóm nhạc Kpop trung bình kiếm được khoảng 4.000 USD mỗi chương trình, 90% trong số đó được chuyển trực tiếp đến công ty. Các thành viên trong nhóm chia nhay 10% còn lại hoặc thậm chí không được cầm đồng nào, bởi thế việc thần tượng hoạt động vài năm vẫn không có thu nhập cũng dễ hiểu. Mak sử dụng nhóm AOA làm ví dụ. Họ ra mắt năm 2012 nhưng đến năm 2015 vẫn không có lương bởi chưa làm ra nhiều thu nhập. Đó là chưa kể đến những câu chuyện buồn khi không ít nghệ sĩ nữ còn bị đem ra là "trò mua vui" cho các ông chủ.
Thần tượng Kpop được xây dựng theo hình mẫu hoàn hảo, bởi vậy không chỉ đẹp từ ngoại hình, lối trình diễn đến lối ứng xử trước truyền thông, người hâm mộ, họ thậm chí không được phép mắc sai lầm. Nếu không, họ phải trả giá bằng sự nghiệp mất nhiều năm gây dựng.
Như T.O.P sau khi bị cáo buộc sử dụng ma túy, anh cúi đầu xin lỗi, cho biết bản thân rất hối hận và cầu xin người hâm mộ cho anh thêm cơ hội. Tuy nhiên, dư luận tiếp tục gay gắt chỉ trích. Vài ngày sau đó, nam ca sĩ nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, anh hôn mê nhiều ngày. Theo bác sĩ, thành viên nhóm Big Bang bị trầm cảm thời gian dài, anh mắc chứng mất ngủ, căng thẳng quá mức và phải dùng thuốc hàng ngày.
Qua những lời chia sẻ của ngôi sao Kpop, điều đáng sợ nhất mà họ phải chịu đựng chính là những lời dò xét, chỉ trích, thậm chí xúc phạm, miệt thị từ “anh hùng bàn phím”.
“Điều duy nhất tôi có thể làm khi là ca sĩ đó là thể hiện sân khấu tốt hơn trong tương lai, thay vì nói về việc mình làm sai hay không. Nhưng tôi đã từ chối mọi cuộc gọi từ gia đình, bạn bè. Tôi cảm thấy như mình đã làm một điều rất sai trái. Tôi vô cùng chán nản và cảm thấy tổn thương vì những lời chỉ trích”, G-Dragon tự cô lập bản thân trong thời gian ca khúc Heartbreaker bị nghi đạo nhạc.
Khắc nghiệt hơn, ở thị trường giải trí Hàn Quốc thì xấu xí hay hẹn hò cũng là một sai lầm. Umji nhiều lần bị chê bai ngoại hình, thậm chí công chúng gọi cô là “thần tượng xấu nhất lịch sử Kpop”. Những lời chê bai dần hình thành tâm lý lo sợ khiến Umji thường cúi gằm mặt hoặc dùng tóc che kín mắt mỗi lần xuất hiện.
"Tôi từng suy ngẫm về một bình luận ác ý có thể được viết chỉ trong 5 giây. Thế nhưng suốt 5 giờ, thậm chí 5 ngày sau đó, trong đầu tôi luôn quẩn quanh dòng chữ: ‘Tôi không thích anh chàng này’”, RM - trưởng nhóm BTS - cũng chịu không ít lời tổn thương vì bình luận trên mạng xã hội.
Thực tế thì bất cứ người nổi tiếng đều phải nhận những lời khiếm nhã, không nhiều thì ít.
Như đã nói, các ngôi sao Kpop được kỳ vọng là hình mẫu gần như hoàn hảo cho người hâm mộ. Điều này có nghĩa là họ phải nói không với hẹn hò và nếu “nhỡ” yêu ai đó thì cũng cần giấu kín hoàn toàn.
Vào năm 2014, tin đồn hẹn hò của Baek Hyun nhóm EXO và Tae Yeon - thành viên của SNSD được công bố. Cả 2 hứng chịu vô số lời chỉ trích, thậm chí sự quay lưng từ người hâm mộ. Sau đó, cặp nghệ sĩ phải lên tiếng xin lỗi vì "làm tổn thương" khán giả. Nhưng mối tình đó cũng chẳng kéo dài lâu khi mà Tae Yeon liên tục bị fan của đối phương công kích trên mạng xã hội.
Trước khi qua đời, Sulli nhiều lần cho thấy những dấu hiệu trầm cảm. Cô từng livestream và nằm im khóc suốt 10 phút. Trong một bài phỏng vấn, nữ ca sĩ tâm sự cô bị mọi người bỏ rơi, kể cả những người thân thiết nhất.
"Nói thật thì nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc. Tôi bắt đầu làm quen với máy quay từ khi còn nhỏ, tôi phải nghe những lời chê trách nặng nề như cơm bữa. Tâm huyết dần bị phá nát thành từng mảnh đá vụn. Tôi được dạy cách giảm hết xúc cảm cá nhân xuống để khiến bản thân trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi cũng không muốn sống mạnh mẽ quá đâu, nhưng làm gì còn ai để tôi dựa vào nữa?", Sulli tâm sự. Thế nhưng, "Em đã nói với họ rằng em kiệt sức rồi. Và, không một ai lắng nghe lời em nói".
Trong bức thư tuyệt mệnh được viết trước khi qua đời, Kim Jong Hyun đã nhấn mạnh những áp lực anh phải đối mặt trong ngành công nghiệp giải trí cạnh tranh khốc liệt của Hàn Quốc.
|
“Tôi đã bị phá nát từ bên trong. Sự chán nản từ từ làm tôi chùn bước, cuối cùng nuốt chửng tôi. Những suy nghĩ tồi tệ tràn ngập trong đầu tôi. Tôi không bao giờ có cơ hội học cách biến nỗi đau âm ỉ thành niềm vui thuần túy”, anh viết.
Nhiều ngôi sao Hàn Quốc bắt đầu sự nghiệp từ khi còn trẻ, thậm chí độ tuổi thiếu niên, điều này chỉ làm tăng thêm căng thẳng và áp lực. Trong những năm qua, hàng loạt nghệ sĩ Kpop cho biết họ phải chiến đấu với chứng trầm cảm và các vấn đề sức khỏe khác.
"Tôi từng mắc chứng trầm cảm trong thời gian dài và không thể chia sẻ điều đó với bất cứ ai. Thậm chí tôi từng nghĩ tới cái chết. Rồi một ngày, khi tâm sự với một người bạn, tôi đã bật khóc vì quá mệt mỏi”, Suzy nói trong nước mắt.
Gần đây, công ty JYP tuyên bố Mina - thành viên nhóm Twice - tạm dừng hoạt động vì chứng sợ sân khấu. Cô đối mặt với nỗi bất an và lo lắng tột độ mỗi khi bước lên sân khấu. Sau đó, hình ảnh Mina xuất hiện ở sân bay với vẻ ngoài nhợt nhạt, tiều tụy, nắm chặt tay mẹ, thậm chí bật khóc ngay khi phóng viên chụp ảnh khiến người hâm mộ của cô không khỏi lo lắng.
|
Năm 2015, Sojin (sinh năm 1992) cũng chấm dứt cuộc đời khi tuổi đời còn rất trẻ. Sojin từng làm thực tập sinh tại công ty DSP trong 5 năm nhưng không được ra mắt và có dấu hiệu bị trầm cảm.
Bản chất cạnh tranh của ngành công nghiệp Kpop không cho phép thần tượng nghỉ ngơi, nhưng họ không phải là robot. Khi mọi thứ vượt quá sự giới hạn, những điều tồi tệ đã xảy ra. Trong 12 năm qua, ít nhất 11 ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc tự tử.
(Theo Zing)
Trầm cảm, suy sụp giống Sulli, nhiều sao Việt từng nghĩ tiêu cực
- Khi biết tin Sulli qua đời, Nam Em và nhiều người khác đã có những chia sẻ sâu sắc, đồng cảm với áp lực mà người nổi tiếng như họ phải chịu đựng.
0 nhận xét:
Post a Comment