Nơi phát hiện vỉa đá lộ thiên được ví như “Gành Đá Đĩa trên cạn” là mỏ đá của Công ty cổ phần 3-2 và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 1-5 đang khai thác vật liệu xây dựng theo giấy phép khai thác khoáng sản của UBND tỉnh Phú Yên.
Sau một thời gian khai thác, vỉa đá phát lộ với những cột đá thẳng đứng, nằm nghiêng, uốn cong được cấu tạo bởi hàng ngàn phiến đá hình ngũ giác, lục giác, bát giác trông như những chiếc đĩa đá xếp chồng lên nhau giống như gành Đá Đĩa ven biển xã An Ninh Đông, huyện Tuy An – một danh thắng quốc gia được Bộ VHTTDL công nhận là di tích danh thắng quốc gia từ năm 1998.
Những vỉa đá thiên tạo mới phát lộ ở thôn Xuân Dục, xã An Phú, TP Tuy Hòa có kết cấu giống như gành Đá Đĩa - một di tích danh thắng quốc gia được coi là tuyêt tác thiên nhiên "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam.
Nhìn từ xa, danh thắng quốc gia gành Đá Đĩa kỳ thú và độc đáo về địa chất như một tổ ong khổng lồ vươn rộng hơn 50m và trải dài chừng 200m. |
Từ trên cao nhìn xuống quần thể đá trong gành Đá Đĩa, có nơi được kết cấu bởi những khối đá hình lăng trụ xếp nối với nhau theo thế đứng hoặc nằm nghiêng, được kết tạo bằng nhiều phiến đá trông như những chiếc đĩa chất chồng đậm nét hoang sơ. Có nơi là bãi đá nhấp nhô với những chiếc đĩa hình lục giác óng ả màu đen huyền bí phơi mình trong nắng sớm.
Nhiều truyền thuyết dân gian lý giải sự hình thành gành Đá Đĩa, có truyền thuyết kể rằng cảnh quan thơ mộng, sơn thủy hữu tình ở nơi này quyến rũ các vị thần tiên giáng trần trong những đêm trăng thanh, gió mát để ngắm cảnh, đối ẩm, bình thơ và bày yến tiệc bằng những chén vàng, đĩa ngọc từ thiên đình mang xuống. Trong cơn chếnh choáng men rượu, các vị thần tiên tìm đến những cảnh quan thơ mộng ở nơi khác vui chơi mải mê đến mức bỏ quên những chồng bát đĩa lâu ngày đã hóa đá.
Trong khi đó, các nhà khoa học nghiên cứu và lý giải, quần thể đá ở gành Đá Đĩa ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An được hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa ở vùng cao nguyên Vân Hòa, huyện Sơn Hòa – các di tích danh thắng này khoảng 30 km về hướng Tây Nam. Ước tính núi lửa này hoạt động cách đây gần 200 triệu năm, nham thạch phun từ miệng núi lửa ra phía mép biển, bất ngờ bị đông cứng khi tương tác với nước lạnh kết hợp với hiện tượng ứng lưu khiến cho toàn bộ khối nham thạch khổng lồ rạn nứt đa chiều, kiến tạo nên kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp, được coi là danh thắng “độc nhất vô nhị ở Việt Nam”.
UBND tỉnh Phú Yên cho biết sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá toàn diện vỉa đá thiên tạo có kết cấu như danh thắng quốc gia gành Đá Đĩa này.
Tình Lê
Nguồn: Sưu Tầm
0 nhận xét:
Post a Comment